Theo dõi trên

Canh rừng trong “tiết” El Nino

08/03/2024, 05:07

Tôi muốn lên trên chòi cao 20 m ấy để ngắm rừng và hình dung canh báo cháy như thế nào. Canh vào ban ngày thì dễ rồi, nhưng vào ban đêm thì sẽ như thế nào.

Rừng tốt, chòi cao

-Hôm nay, ông trời biết nữ nhà báo đến thăm rừng hay sao ấy nên mát trời, ít gió. Chứ nhiều ngày qua, từ trước tết đến giờ, nắng nổ đom đóm mắt, gió thổi mạnh suốt ngày đêm.

thap-canh-phong-nh-n.-lan-.jpg

Câu bông đùa nhưng chứa nhiều thông tin về thời tiết ở đây của Trịnh Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm Lâm nghiệp Thắng Hải thuộc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Tân, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận khiến ai cũng cười xòa nhưng cũng đều công nhận đúng như thế. Trên đường vào trạm này, tôi thấy rừng keo trồng ven đường đã 4-5 năm tuổi, cao khoảng 15-16 mét, ít lá, trơ thân cành. Lâu lâu trời có chút gió, lá rừng lại rơi hờ hững khiến ai mộng mơ cũng liên tưởng đến một cảnh trong phim Hàn Quốc về mùa thu rừng thay lá. Nhưng bây giờ, nơi đây đang vào cao điểm mùa khô, mùa có hiện tượng El Nino ngự trị.

Thế nên, không phải tính ngày, giờ mà tính từng phút, từng khắc nên chỉ cần chểnh mảng, lơ đãng là rừng có thể cháy rất dễ, lại loan nhanh không ngờ. “Thế nên, chúng tôi trực trên chòi canh kia 24/24 giờ. Chòi được xây ở vị trí trung tâm vùng rừng trồng của trạm nên ở trên cao ấy, quan sát quang cảnh xung quanh rất đẹp. Về đêm, anh em cũng trực suốt. Ai cũng thích, vì trên ấy sóng của các nhà mạng rất mạnh, nên cả đêm anh em vừa canh báo cháy rừng, vừa có thể tranh thủ lướt web” – Hùng giới thiệu về chòi canh rừng cao ấy có nhiều điều hấp dẫn như vậy, chứ không phải là nơi canh giữ nhọc nhằn, dù thực sự là vất vả. Trạm Thắng Hải có hơn 1.700 ha rừng trồng từ năm 2018 và năm nay, theo kế hoạch không khai thác diện tích nào nên với chừng ấy rừng phải canh lửa, nhất là trong điều kiện thời tiết gay gắt này là áp lực chồng áp lực. Nhìn gương mặt rám đen của Hùng và của những anh em khác mà tôi gặp tại trạm này phần nào nói lên điều ấy. Duy chỉ nụ cười là rất tươi, ngay cả 2 anh nhân viên đang ngồi ở chòi canh cao khoảng 20 m trên kia, giơ tay chào khách dưới mặt đất cũng thế.

z5228435170632_86a525bcaf7c93d9b08724febe30720e.jpg
Chòi canh phát hiện cháy rừng ở Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Tân

Tôi muốn lên trên cao ấy để có thể hình dung canh báo cháy như thế nào. Canh vào ban ngày thì dễ rồi, có thể thấy khói bay lên rất rõ, báo cho các điểm canh giữ gần nhất dưới mặt đất để dập tắt lửa càng nhanh càng tốt. Nhưng vào ban đêm thì sẽ như thế nào. Các anh em trong trạm, mỗi người tham gia một câu và chung quy lại là phải quan sát ánh sáng và nghe chim le le kêu, loài chim thường thấy người là kêu, để báo động. Vì chỉ có ai đó vào rừng vào ban đêm và chỉ cần 1 tàn thuốc còn lửa là có thể gây cháy rừng nên phải loan tin sớm cho chốt canh gần nhất biết, đề phòng.

Tôi bắt đầu leo chòi canh, gọi là chòi chứ thật ra từng bậc thang vững chãi dưới từng bước chân, trong tiếng cổ vũ của anh em rằng lần đầu tiên chòi canh của trạm có dấu chân của phái nữ leo. Vì từ khi đưa vào sử dụng năm 2023 đến nay, chòi canh chỉ có các anh em trong trạm lên xuống như đi rong chơi; chứ ngay cả lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cũng chưa dám leo một lần. Tôi phải gật gù điều ấy, khi leo được 1/3 đoạn đường lên chòi, phải rẽ vào ô nghỉ mệt mà thở. Nhớ mình từng leo lên được nơi cao nhất của ngọn hải đăng Kê Gà (Hàm Thuận Nam) nhưng sao… Thì ra, đường leo lên chòi canh của trạm Thắng Hải là theo hướng thẳng đứng như trèo tường, chứ không theo hình xoắn ốc. Thế nên, càng thêm khâm phục sức khỏe của 12 anh em trong trạm Thắng Hải này, những người đã làm ở đây nhiều năm, đã từng canh lửa cho rừng trên những cái chòi tạm làm ở các chạng cây rừng tự nhiên lâu năm rất cao. Nhưng rừng trồng ở Hàm Tân rất tốt, cây cao đến 15 - 18m nên kiểu canh lửa lúc ấy không an toàn như bây giờ. Có chòi canh vững chắc như hiện tại giúp công việc của anh em giữ rừng thuận lợi hơn…

Căng như dây đàn

Câu chuyện xây chòi canh phát hiện cháy rừng bảo đảm trong bối cảnh hiện tượng El Nino đang thể hiện rất rõ trên địa bàn tỉnh, trở thành vấn đề được chú ý nhiều, vì ngay tên gọi của nó đã cho thấy đó là giải pháp trước tiên để ngăn thiệt hại rừng tốt nhất. Các chủ rừng trong tỉnh đều biết thế nhưng cũng phụ thuộc vào kinh phí xây dựng. Tính ra, tổng diện tích đất có rừng tại tỉnh đến 342.127,58 ha, trong đó, rừng tự nhiên hơn 296.915 ha và rừng trồng 45.212 ha. Rộng lớn như thế, biết bao nhiêu tiền cho đủ để xây chòi canh phát hiện cháy rừng sớm, khi chi phí mỗi chòi canh này khoảng 100 triệu đồng trở lên.

z5228438689177_a9c5cd91c4a44fa387569711358fdfd0.jpg
Cảnh về đêm nhìn từ chòi canh phát hiện cháy rừng ở Trạm Lâm nghiệp Thắng Hải (Hàm Tân)

Vì thế, thời gian qua, cứ tranh thủ những dự án liên quan đến rừng có kinh phí từ Trung ương là các nơi này xây chòi canh. Đến nay, theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, đã xây dựng 12 chòi canh tại các ban quản lý rừng trong tỉnh, tập trung vào những vùng rừng tự nhiên thuộc kiểu rừng khộp, là loại rừng rụng lá vào mùa khô, tạo lớp thực bì dễ gây cháy và rừng trồng nằm gần, xen kẽ trong các khu dân cư, gần các hoạt động của con người... Như tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (Hàm Thuận Nam), do quản lý rừng đặc dụng lại gần khu dân cư nên được xây 4 chòi canh, cao khoảng 15 m. Hay Ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bắc Bình) cũng thế. Và đến lúc này, khi thời tiết cực đoan đã ập đến, với dự báo hiện tượng El Nino này sẽ đạt cường độ cao trong 3 tháng đầu năm 2024 với xác suất trên 90%; sau đó giảm dần về cường độ nhưng vẫn có khả năng duy trì tới tháng 6/2024 với xác suất khoảng 65% thì thấy rõ hơn sự chuẩn bị trên rất cần thiết.

z5228450510864_4f7419952c1a16e599a86b390145fc14.jpg

Theo trang Web quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin của Cục Kiểm lâm, Bình Thuận đang ở cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp III (cấp cao) gồm các khu vực sau: huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, đảo Phú Quý, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết. Riêng địa bàn huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam đang có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Hai tháng qua, tại tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng tại khu vực Động Đỏ, thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong chưa gây thiệt hại lớn, vì chỉ cháy thực bì.

Nghe từ cháy thực bì khiến tôi nhớ hình ảnh rừng Phan Lâm, Phan Sơn của Bắc Bình vào hôm cuối tháng 2/2024, với lớp thực bì phủ màu vàng úa và cây rừng đúng nghĩa khẳng khiu. Chợt nghĩ, một mẩu thuốc lá vô tình thôi cũng gây cháy rừng diện rộng, nếu không phát hiện sớm. Lúc này, ở những nơi chưa có chòi canh phát hiện cháy rừng, chắc anh em giữ rừng cực lắm!

PHÓNG SỰ: BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hội Cựu chiến binh tỉnh thăm, chúc Tết Ramưwan tại xã Phan Hòa
Nhân dịp Tết Ramưwan của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo (Bà ni), mới đây, Hội CCB tỉnh do ông Phạm Văn Long – Chủ tịch Hội CCB tỉnh làm Trưởng đoàn đến thăm, chúc Tết đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo (Bà ni) tại xã Phan Hòa (huyện Bắc Bình).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Canh rừng trong “tiết” El Nino