Theo dõi trên

Cầu nối sản xuất và tiêu dùng sản phẩm OCOP

07/03/2022, 06:38

Nếu làm tốt khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nhất là triển khai các đợt quảng bá có trọng tâm, trọng điểm, cùng với bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc và giá cả hợp lý sẽ hình thành thói quen người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm OCOP của tỉnh, cũng như cánh cửa đến các thị trường tiềm năng rộng mở…

img_82012.jpg

Người tiêu dùng làm quen sản phẩm OCOP

Cùng với các hoạt động xúc tiến hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, hai điểm trưng bày và bày bán sản phẩm OCOP ra mắt tại Phan Thiết vào đầu năm nay đã giúp cho các chủ thể OCOP kết nối với người tiêu dùng biết đến các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của tỉnh dễ dàng hơn. Tại Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh, số 341 đường Võ Văn Kiệt, phường Phú Thủy dành ra kệ hàng ở vị trí bắt mắt trưng bày đa dạng các sản phẩm OCOP của 15 chủ thể từ nước ép thanh long, rượu vang thanh long, nước mắm, hạt điều, gạo Đức Lan… Chị Nguyễn Thị Hải ở phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) cho biết, lâu nay gia đình tôi vẫn sử dụng một số loại đặc sản của địa phương, song không nhận biết được đâu là sản phẩm của cơ sở sản xuất được cơ quan chuyên môn công nhận. Thông qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, tôi biết được chất lượng sản phẩm nên gia đình đã chuyển sang dùng một vài sản phẩm mang thương hiệu OCOP của tỉnh.

Còn tại cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH Cá Đen, số 155 đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài những ngày qua đón những lượt khách trong và ngoài tỉnh tham quan mua sắm. Đặc biệt, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố Phan Thiết “ấm” dần lên kể từ đợt Tết Nguyên đán, một số xe khách khi dừng chân tại đây khách du lịch có thêm điểm chọn mua sản phẩm đặc sản địa phương về làm quà.

Ông Huỳnh Văn Dung, Công ty TNHH Cá Đen cho biết: “Sắp tới đây công ty sẽ trang bị thêm một số tủ lạnh để trưng bày và bán các sản phẩm OCOP là rau xanh, hải sản tươi sống, một nắng; các loại trái cây tươi như sầu riêng, nhãn xuồng… Mặc dù số người mua chưa nhiều, tuy nhiên việc đưa vào hoạt động các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đã hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp có thêm một kênh để tiêu thụ sản phẩm”. Một tín hiệu vui, ngoài có địa điểm mua sắm, các chủ thể, hợp tác xã (HTX) còn gói giỏ quà theo yêu cầu để các đơn vị, khách lẻ làm quà tặng cho người thân, đối tác.

img_78512.jpg

Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá

Đến nay, toàn tỉnh có 70 sản phẩm của các chủ thể là các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Sau 2 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường là động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngô Minh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn chia sẻ: “Bình Thuận giàu tiềm năng, sản vật thiên nhiên là lợi thế tạo nên nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Với sự quyết tâm, sáng tạo và nỗ lực của các chủ thể, bước đầu đã tạo ra những sản phẩm mang đậm hương vị của một Bình Thuận rất đặc trưng: Từ hạt gạo của vùng núi Đức Linh, Tánh Linh, Tuy Phong cho đến các sản phẩm từ trái thanh long của Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam; sản phẩm nước mắm, hải sản các loại của Phan Thiết, Phú Quý… Với mỗi chủ thể tham gia chương trình OCOP bằng sự tâm huyết đều nỗ lực quan tâm nhiều hơn nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác, đa dạng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất… Đơn cử, HTX Thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc). HTX có 35 ha thanh long với 12 thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, trái thanh long tươi của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Không dừng lại sản xuất trái tươi đạt tiêu chuẩn sạch, HTX chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu từ trái thanh long cũng như chú trọng nâng chất lượng, công nghệ, mẫu mã bao bì sản phẩm cho ra mắt đa dạng các sản phẩm chế biến từ thanh long như: rượu đế, kem tươi, mứt, rượu vang, nước cốt, hoa thanh long sấy… Năm 2021, HTX này có thêm 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là: kem thanh long và rượu đế thanh long.

Mặc dù các sản phẩm OCOP đều có bao bì, nhãn mác hiện đại, phù hợp nhu cầu tiêu dùng, tuy nhiên theo các chủ thể, nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Thời gian qua, chịu tác động của dịch Covid - 19, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp không ít khó khăn, bên cạnh năng động đẩy mạnh tiêu thụ qua mạng xã hội Facebook, còn lại là các đơn hàng đơn lẻ, chưa thật sự có mối thị trường lớn. Trong triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên có tất cả 6 bước, trong đó, bước thứ 6 “xúc tiến thương mại” được xem là bước cuối cùng nhưng quan trọng nhất bởi sản phẩm OCOP sản xuất ra phải tiêu thụ được. Khâu quảng bá đóng vai trò thiết yếu trong việc mở rộng thị trường sản phẩm OCOP, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm. Vì vậy, cùng với hỗ trợ chủ thể phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới, các ngành liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa khâu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP. Tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ở trong nước đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, hội nghị, triển lãm của ngành công thương. Trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại gian hàng chính các siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng như triển khai thêm các điểm bán hàng OCOP của tỉnh tại các huyện, thị trong tỉnh…

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân: Giám sát bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đóng chân trên địa bàn huyện Tuy Phong với tổng công suất thiết kế hơn 5.000 MW, là trung tâm nhiệt điện quy mô hàng đầu cả nước, vận hành an toàn; cung cấp nguồn cho hệ thống điện quốc gia, góp phần giữ vững an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh trọng điểm phía Nam, trong đó có Bình Thuận.
Nổi bật
Giao thông “mở lối” cho người nghèo
Phần lớn các xã trong huyện Hàm Thuận Nam đều đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, trong khi các tiêu chí khác về hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt …đang cần thêm thời gian cho đầu tư hoàn thiện. Vì thế, có thể nói ở góc độ nào đó, giao thông tạo điều kiện cho các hạ tầng khác xuất hiện, mang tính như hạ tầng nền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cầu nối sản xuất và tiêu dùng sản phẩm OCOP