Vừa trở về sau 1 ngày làm việc ở KCN Phan Thiết, chị Nguyễn Thu Lan (quê Thanh Hóa) vội ghé chợ mua vài quả trứng, bó rau để chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình trong căn nhà trọ nhỏ ở phường Phú Thủy. Mất việc hơn 6 tháng vì dịch, được công ty gọi trở lại làm việc sau tết, chị vui lắm nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm từng đồng vì sợ lại bị… thất nghiệp giữa thời “bão giá”. Chị chia sẻ: “Xăng lên, gas cũng cao ngất ngưởng, thực phẩm, vật giá đều leo thang, nếu không tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt thì tiền lương tháng này sẽ gối đầu cho tháng sau. Vợ chồng tôi quyết định cắt hết những bữa ăn ngoài, chiều đi làm về đều tranh thủ nấu ăn, chuẩn bị luôn cho phần ăn sáng hôm sau. Có vậy, 2 vợ chồng mới tiết kiệm được chút ít”.
Việc giá gas tăng liên tục và cao ngất ngưởng đã khiến nhiều gia đình có thu nhập thấp dùng thêm bếp than để nấu nướng, giúp giảm khoảng 30 - 40% chi phí cho nhiên liệu này. Đặc biệt, nhiều nhà hàng, quán ăn mỗi tháng chi riêng tiền gas đã 5 – 7 triệu đồng, nay giá gas lại tăng, nên nhiều nơi buộc phải tăng giá bán. Chủ 1 nhà hàng trên đường Hùng Vương cho biết: “Giá gas tăng liên tiếp trong mấy tháng gần đây kể từ mức thấp nhất là 350.000 đồng/bình (tháng 6/2021) nay đã vượt 500.000 đồng/bình kèm theo các chi phí nguyên vật liệu khác cũng tăng. Nếu không điều chỉnh giá bán thì quán sẽ lỗ, mà điều chỉnh thì tâm lý khách không hài lòng”. Do giá gas tăng chóng mặt nên từ sau tết, các đại lý gas cho biết gas bán ra rất chậm. Người tiêu dùng chuyển hướng sang những thiết bị khác thay thế cho bếp gas. Không chỉ vậy, việc giá gas tăng đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến doanh thu của các quán ăn uống. Người dân có tâm lý sẽ thắt chặt chi tiêu, hạn chế ăn uống ở ngoài, vừa sợ lây lan dịch bệnh vừa là cách tốt nhất ứng phó với giá cả “nhảy múa” như hiện nay.
Không chỉ gas tăng, mà giá xăng đã gần chạm mốc 27.000 đồng/lít sau 6 lần tăng liên tiếp, khiến nhiều ngành nghề ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống của người dân khá chật vật. Làm việc tại KCN Hàm Kiệm 1, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Duy (phường. Xuân An) phải đi khoảng 10 km đến chỗ làm. Lúc trước anh mất khoảng 200.000 đồng tiền xăng cho 1 tuần, nhưng giờ chi phí đó tăng hơn 300.000 đồng. “Để tiết giảm chi phí, tôi dự định đi xe buýt hoặc tìm bạn làm cùng công ty đi chung xe và chia đôi tiền xăng. Lương của tôi chỉ 5 triệu đồng, mà chi phí cho xăng, rồi ăn uống, nhà trọ, sinh hoạt phí, thật sự rất khó khăn. Do đó, tôi hạn chế đi ăn hàng quán, la cà cà phê như trước, cố gắng nấu ăn ở nhà để tiết kiệm phần nào”. Để đối phó với việc giá xăng tăng cao, nhiều người cũng chọn giải pháp đi xe đạp/đạp điện đi làm, đi chợ thay vì xe máy như trước. Giá xăng, dầu tăng từ đầu năm đến nay đã kéo theo chi phí các ngành, hàng khác cũng tăng là hệ lụy bất tương xứng mà khách hàng phải bấm bụng chịu. 1 tô phở bình dân, tô mì quảng ven đường cũng đã đồng loạt tăng thêm 5.000 đồng/tô, do đó đời sống của đại đa số người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đây là lúc người tiêu dùng phải có bài toán tiết kiệm chi tiêu thật hợp lý trong gia đình, nếu vẫn quen cách tiêu xài như trước, sẽ dễ thâm hụt với nhiều chi phí không tên, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, trung bình.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài Chính, mỗi lít xăng E5 Ron 92 từ ngày 3/3 có giá 26.077 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước giữa tháng 12/2021 đến nay. Như vậy, giá xăng đã tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá gas bán lẻ trong nước cũng tăng vọt thêm 42.000 đồng đối với mỗi bình gas 12kg, kéo theo giá bán lẻ gas trong nước đang ở mức trên 500.000 đồng mỗi bình 12kg.