Nét đẹp đặc trưng của dòng sông là đá, những bờ tre, hàng cây rũ bóng, đặc biệt những mảng rù rì mọc xanh giữa mùa khô hạn.
Rù rì thân rất dẻo, lá xanh dài, mọc nhiều ở các sông suối, mọc thành lùm thành bụi, mọc trên đất và cả trong hốc đá. Nhiều cây rù rì có gốc to, thế đẹp được người mua chọn về làm cây cảnh. Vào những năm 2008 đã có thời người Trung Quốc lùng qua Việt Nam tìm mua rù rì. Một gốc rù rì dáng đẹp có giá đến hàng triệu đồng.
Rù rì, loài cây có sức sống rất phi thường, mùa lũ về, dù nước có ngập đến đâu, cây vẫn bám mình trong đá chịu đựng, lũ qua, cây lại vươn mình đứng thẳng. Mùa nắng hạn, dù hanh khô đến mấy cây vẫn nảy lộc, đâm chồi. Chính màu xanh cây rù rì đã điểm trang cho sông Dinh, làm cho dòng sông dịu mát hơn, thơ mộng hơn. Sông Dinh một thắng cảnh hữu tình của La Gi.
Hơn nửa đời người sống bên dòng sông, bên những bụi rù rì chứa chan kỷ niệm. Tôi cứ hoài suy nghĩ, sao đời cây rù rì giống như đời người dân quê hương Việt Nam tôi quá. Những con người suốt đời lam lũ, sống vật vã giữa thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Mỗi năm không biết bao nhiêu thiên tai vây bủa. Mùa nắng nóng, nắng cháy trời, cháy đất. Ruộng đồng nứt nẻ, cây cối héo khô. Mùa mưa về, bão nối bão, lũ chồng lên lũ. Con người giống như cây rù rì, phải bám thật sâu, quấn thật chặt vào đất đá, gồng mình chịu đựng. Khi bão tan, lũ rút, họ lại vươn lên đứng dậy, gút chặt nỗi đau, gồng gánh dọn dẹp lại quê hương, “dọn” lại cuộc đời của họ.
Về miền Trung, ra miền Bắc, cứ nhìn vào bức tường là biết ngay năm ấy lũ cao hay lũ thấp. Nhưng cũng có năm cái chớn nước lũ không còn tường để lưu lại dấu, người ta phải đội nóc nhà lên để sống, thì mớ rêu rác còn sót dính trên kèo cột, đòn dông ấy là chứng lũ. Cũng như ra sông suối thấy trên ngọn rù rì đung đưa mớ rác, biết ngay năm ấy rù rì đã ngâm mình trong nước.
Cứ thế năm này qua năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác, con người như cây rù rì, ngụp lặn trong bão lũ mà sống mà trả màu xanh cho đời.