Theo dõi trên

Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh, sinh viên

20/10/2023, 05:20

Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), học sinh, sinh viên (HSSV) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học; cùng với quyền lợi được quỹ BHYT chi trả lên tới 80% chi phí điều trị bệnh, nếu khám chữa bệnh đúng tuyến.

kham-suc-khoe-tai-truong-hoc.jpg
Khám sức khỏe cho học sinh tại trường học.

Tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018, Chính phủ đã quy định cụ thể về việc trích lại kinh phí từ quỹ BHYT phục vụ công tác triển khai chính sách BHYT tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí này. Các năm qua, số kinh phí này trích lại từ quỹ BHYT đối với cơ sở giáo dục bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non liên tục tăng với số tiền là 603,7 tỷ đồng năm 2020; 656,7 tỷ đồng năm 2021 và hơn 696,3 tỷ đồng năm 2022.

Năm học 2022-2023, cả nước có khoảng 18,8 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt hơn 97% tổng số HSSV. Nhờ có thẻ BHYT, nhiều HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên tới hàng tỷ đồng. Chỉ tính năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, quỹ BHYT đã chi trả 5.316 tỷ đồng với 6,2 triệu HSSV đi khám chữa bệnh BHYT. Trong đó, có 634 trường hợp được chi trả từ 200 triệu đồng/người trở lên, đáng chú ý, trường hợp được chi trả cao nhất là 1,07 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT được các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng để phục vụ cho việc mua sắm, sửa chữa. Đó là mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, HSSV khi bị tai nạn thương tích hoặc các trường hợp bệnh thông thường trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tủ tài liệu quản lý hồ sơ sức khỏe tại cơ sở giáo dục; mua văn phòng phẩm phục vụ hoạt động khám chữa bệnh. Từ thực tiễn cho thấy, nguồn kinh phí này thực sự phát huy vai trò, hiệu quả giúp y tế trường học kịp thời sơ cấp cứu cho HSSV theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục. Đồng thời, giúp theo dõi, kiểm tra, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sức khỏe để dự phòng, điều trị, đảm bảo sức khỏe HSSV trong tương lai.

Trong bối cảnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gây rủi ro tới sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe HSSV thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thời gian tới. Theo đó, năm học 2023-2024, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai quyết liệt với mục tiêu đạt 100% HSSV tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT. Tại Bình Thuận, toàn tỉnh có 243.327 HSSV tham gia BHYT trong tổng số 246.227 HSSV, đạt tỷ lệ 98,8%. Trong đó, có 208.192 em tham gia tại trường học, 35.135 em tham gia theo nhóm khác như hộ gia đình nghèo, cận nghèo…

Có thể nói rằng, những năm qua, việc trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động y tế trường học nhằm đảm bảo, chăm sóc tốt sức khỏe HSSV. Đây là một trong những ưu việt vượt trội, thể hiện ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chính sách BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 150 cán bộ, hội viên phụ nữ
BTO-Chiều 18/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho gần 150 cán bộ, hội viên phụ nữ tại TP. Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh, sinh viên