Theo dõi trên

Chào mừng 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): 40 năm của kế thừa và phát triển

29/05/2023, 05:52 - Lượt đọc: 1,494

Ngay lúc ban đầu này, lãnh đạo huyện đã tính đến xuất khẩu nên thời gian sau đó, sự kế thừa phát huy và kết quả trái thanh long trồng ở Hàm Thuận Nam đã được xuất khẩu đi nhiều nước.

Kích thích làm giàu

Những ngày này, khi những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện, đứng từ UBND huyện Hàm Thuận Nam nhìn ra sẽ thấy mảng xanh từ đồi núi ở phía xa kéo về, những nhộn nhịp của quốc lộ 1A đông người qua và cả không gian thoáng đãng nối dài của công viên Trần Phú. Tại công viên này, trong tháng 6 tới sẽ triển khai xây dựng hồ điều hòa, đài phun nước, khu vui chơi giải trí, khu tập thể dục công cộng… Đây được xem là điểm nhấn tạo bức tranh tổng thể đầu tư hạ tầng kỹ thuật thị trấn Thuận Nam đạt chuẩn đô thị loại 5 trong thời gian tới. 3 năm qua, các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện huy động đạt khoảng 4.600 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước các cấp trên 1.650 tỷ đồng; còn lại gần 3.000 tỷ đồng là nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác, cụ thể là vốn của các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân… nên phần lớn tập trung vào khu vực thị trấn Thuận Nam.

tt.jpg

“Nơi trung tâm huyện này, từ 40 năm trước, khi huyện Hàm Thuận Nam được thành lập, lấy 6 xã của huyện Hàm Thuận và 3 xã của huyện Hàm Tân về, ngay buổi ban sơ ấy đã được lựa chọn. Vì có núi Tà Cú che chắn. Vì gần mấy chỗ tụ nước mà sau này làm hồ chứa nước như Đu Đủ, Tân Lập… Lúc ấy, hầu như nơi nào cũng đất cày lên sỏi đá, nên thị trấn Thuận Nam (xã Tân Lập lúc bấy giờ) được chọn là trung tâm huyện có thể từ những lý do trên” – ông Hồng Thanh Nam, người là Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam từ năm 2004, đến năm 2011 là Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam giai đoạn 2010 – 2015, nhớ lại. Vào thời điểm năm 1983, tức chỉ 8 năm sau Ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, huyện Hàm Thuận Nam hình thành trong bộn bề nỗi lo hàn gắn vết thương chiến tranh, lo giải quyết cái ăn, cái mặc, lo học hành, đi lại, nơi ở và cả sinh đẻ của nhân dân. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng không có gì và cán bộ thì thiếu và yếu. Thực trạng trên phản ánh rõ trong Báo cáo kết quả đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Thuận Nam lần thứ 1, kèm theo các mục tiêu phấn đấu. Trong đó, mục tiêu đầu tiên đặt ra: “Ổn định và phát triển sản xuất toàn diện trước hết là sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến), đẩy mạnh hàng xuất khẩu và một số hàng tiêu dùng đáp ứng được những yêu cầu cấp bách, thiết yếu của xã hội…”.

Ngay lúc ban đầu này, lãnh đạo huyện đã tính đến xuất khẩu nên thời gian sau đó, sự kế thừa phát huy và kết quả trái thanh long trồng ở Hàm Thuận Nam đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Bước chuyển ấy, như nguyên Bí thư Huyện ủy Hồng Thanh Nam, nhận định: “Đó là giai đoạn của thoát nghèo, của làm giàu mãnh liệt. Có thời gian, thanh long tăng diện tích không cản được, vì đáp ứng là cây giảm nghèo. Trồng cả xuống ruộng và bị cấm, vì lý do ảnh hưởng an ninh lương thực, rồi sau đó được chấp nhận ở những vùng trồng lúa 1 vụ bấp bênh. Mà Hàm Thuận Nam ít có nơi nào trồng được 2 vụ lúa, vì thiếu nước nên thành ra, diện tích thanh long tăng nhanh. Dân muốn thoát nghèo. Nghị quyết của Đảng bộ huyện trong nhiều giai đoạn đều kích thích và hỗ trợ tinh thần đó bằng nhiều giải pháp khác nhau”.

Điều đáng chú ý, đồng hành với quá trình ấy của dân là cán bộ công nhân viên trong huyện, vì phần lớn họ đều làm thêm thanh long. Ngoài giờ hành chính, họ ra đồng chăm thanh long nên cây trồng gặp trở ngại gì cũng góp phần cải thiện sớm, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào vườn thanh long cũng triển khai nhanh. Có lẽ cũng nhờ vậy, với biến cố thị trường năm 2022 nhưng thanh long Hàm Thuận Nam vẫn giữ được diện tích và một số nhà vườn đón được những “đợt sóng” giá cao trong quý 1 năm nay, thu tiền tỷ. Theo đó, các dịch vụ liên quan xôm tụ trở lại.

Dịch vụ rộng lối

Bàn đến dịch vụ, nguyên Bí thư Huyện ủy Hồng Thanh Nam khẳng định dịch vụ ở Hàm Thuận Nam phát triển sớm và mạnh, xuất phát từ câu chuyện quy hoạch phát triển phía biển Kê Gà có một giai đoạn rơi vào cảnh loại trừ giữa du lịch và công nghiệp. Tình cảnh đó nằm ngoài khả năng của Hàm Thuận Nam nên trong thời gian bị cản ngại ấy, huyện tập trung vào phát triển nông nghiệp và từ cây thanh long đã giải quyết được nhiều vấn đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Và trong quá trình đó, các dịch vụ kéo theo xuất hiện ngày càng nhiều, sôi động theo từng mùa vụ, giá cả. Từ đó, ngày công lao động có giá cao, như vuốt tai thanh long chỉ làm vài giờ chứ không phải 8 tiếng nhưng cho thu nhập tốt khiến dân Hàm Thuận Nam ít chọn vào làm việc ở 2 Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, 2. Vì vậy, các doanh nghiệp ở đây tuyển lao động ở các huyện, thành phố khác tới, góp phần mở rộng thêm cho các dịch vụ liên quan. Bây giờ, ở Hàm Thuận Nam dịch vụ của nông nghiệp, dịch vụ của công nghiệp đang phát triển ổn định. Từ đầu năm đến nay, đang rộ thêm dịch vụ của du lịch, khi du lịch Hàm Thuận Nam được chú ý nhiều, nhờ hạ tầng kỹ thuật đã hoàn chỉnh…

z4383858615599_2077fbc8b96f6e0c3fd6fd38116c516c.jpg

Bên cạnh tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển sẽ khai phá tốt sắp tới thì du lịch Hàm Thuận Nam đang xuất hiện trở ngại, khi người dân khó tham gia. Cái chính vì vùng ven biển của Hàm Thuận Nam, ngoài chỗ thôn Kê Gà của xã Tân Thành có dân, còn lại suốt chiều dài 9 km từ Thuận Quý qua đều không có dân ở sinh sống. Vì vậy, dân có thể bán nông sản cho du khách nhưng để phát triển dịch vụ sôi động như vùng du lịch Hàm Tiến – Mũi Né thì còn cần thời gian. Lùi về 1-2 năm trước, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển của 2 xã Thuận Quý, Tân Thành. Theo đó, dải đất dọc bờ biển 2 xã này được quy hoạch hoàn toàn để phát triển du lịch và đất ở hỗn hợp. Nơi đây đang và sẽ hình thành đại đô thị du lịch biển với hàng loạt các tổ hợp du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng đỉnh cao. Đồng thời đó, Thuận Quý, xã sẽ lên thị trấn sắp tới phải thêm dân, như theo quy hoạch đến năm 2030, nơi đây phải có khoảng 35.800 người; đến năm 2040 khoảng 59.000 người...

Bà Lê Thị Bích Liên, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam, cho biết phát triển du lịch là 1 trong 3 trụ cột kinh tế mà Hàm Thuận Nam đã và đang chú tâm làm rõ nét. Nông nghiệp công nghệ cao đã phổ biến với nhiều trang trại có quy mô lớn sản xuất nhiều sản phẩm sạch. Công nghiệp cũng đang nổi bật cùng những kế họach tăng trưởng trong thời gian tới. Về du lịch thì Hàm Thuận Nam còn nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, nhất là về dịch vụ khách sạn, khi dạo gần đây, TP. Phan Thiết luôn đầy khách và nhiều du khách tìm kiếm nơi ở ở Hàm Mỹ, Thuận Quý và Tân Thành. Đó là thành quả của từng giai đoạn có tính kế thừa. Ngay cả kết quả giữa nhiệm kỳ qua cũng thế, đó là tiền đề quan trọng và cũng mang tính kế thừa để cán bộ và nhân dân trong huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ còn lại của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX.

Kết quả từ những diễn tiến ấy được thể hiện phần nào qua thu nhập bình quân đầu người ở huyện tăng lên theo từng năm. Nếu năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở huyện là 48 triệu đồng, năm 2022 là 49,3 triệu đồng thì dự kiến năm 2023 là 54,2 triệu đồng và năm 2025 sẽ lên 75 triệu đồng.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Nam: Tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện
Chiều nay (29/5), Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983-1/6/2023) sẽ diễn ra tại hội trường của huyện.
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chào mừng 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): 40 năm của kế thừa và phát triển