BTO- Ngày 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Có giải pháp gì để phạt nguội hiệu quả chưa?
Đã có 67 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Phúc, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể với nội dung:Đánh giá tồn tại là tai nạn giao thông vẫn ở mức nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân là do thiếu lực lượng, phương tiện để tuần tra, kiểm soát. Nghiên cứu nhiều quốc gia, việc giám sát, xử lý bằng camera và phạt nguội là giải pháp khả thi nhất.Qua triển khai thí điểm phạt nguội ở một số địa phương, khó khăn là chưa có chế tài cưỡng chế đối với người vi phạm không đóng phạt. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, bộ đã có kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật về phạt nguội chưa. Trước mắt, khi chưa có văn bản quy định để tháo gỡ vấn đề này, bộ có giải pháp gì để thực hiện hiệu quả việc phạt nguội qua hoạt động thí điểm của bộ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: Tai nạn giao thông hiện nay đang là vấn đề nghiêm trọng, chúng ta đang thiếu lực lượng, không thể kiểm tra, tuần tra tất cả các con đường từ quốc lộ, tỉnh lộ xuống đường nông thôn.
Do đó, trong suy nghĩ và quan điểm của Bộ Giao thông vận tải thiết tha được bổ sung luật, nghị định để có thể tiến hành xử phạt nguội, thông qua các thiết bị công nghệ.
Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã có một số dự án (ITS) giám sát trên các quốc lộ và những địa bàn trọng điểm. Công an cũng đã có một hệ thống của Bộ Công an, đã tiến hành xử phạt nguội.
Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong Nghị định 86 sửa đổi chuẩn bị ban hành là chỉ đạo, kết nối số liệu của Bộ Giao thông vận tải với Bộ Công an để bộ này có thể sử dụng toàn bộ các hình ảnh, các công trình, dự án đầu tư để có thể xử lý hoặc bổ sung các kiểm định như thế nào để xử phạt.
Chúng tôi khẳng định: Chỉ có công nghệ mới có thể giám sát chặt chẽ hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chúng ta kịp thời phát hiện các xe có vấn đề nghi vấn để xử lý. Bộ Giao thông vận tải rất ủng hộ chủ trương này và rất mong Quốc hội ủng hộ để sửa luật và đảm bảo ứng dụng công nghệ được tốt.
Xe không chính chủ không chịu nộp phạt khi vi phạm, xử lý như thế nào?
Chưa đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Thị Phúc tiếp tục nêu ý kiến: Thực tế hiện nay có tình trạng xe không chính chủ, người vi phạm khi được phát hiện qua thiết bị công nghệ không chịu nộp phạt. Trong khi chưa có quy định của pháp luật về vấn đề này thì trước mắt Bộ có giải pháp gì để thực hiện phạt nguội đối với người vi phạm mà không chịu nộp phạt.
Bộ trưởng cho rằng: Hiện nay theo quy định mua bán xe là phải sang tên, đây là luật đã quy định. Bây giờ xe chính chủ hay xe không chính chủ, nếu ai điều khiển phương tiện thì phải có trách nhiệm nộp phạt nếu vi phạm. Còn nếu trong trường hợp không nộp phạt, chúng ta có thể tạm giữ phương tiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng ta phải đi theo hướng làm sao để người dân sống và làm việc theo pháp luật, có nghĩa là phải vận động kết hợp với kiểm tra, giám sát nhắc nhở để người dân có thể thực hiện đúng quy định, chúng ta sẽ xử phạt. Còn trước mắt, khi chưa có đầy đủ qui định của pháp luật, có thể có những giải pháp tạm thời như có thể những người điều khiển các phương tiện mà vi phạm thì có hồ sơ nhân thân, có chứng minh nhân dân, có giấy phép lái xe, chúng ta có thể sử dụng những chứng chỉ đó để xử lý việc vi phạm.
Phúc Nguyễn