Theo dõi trên

Châu Âu đi tìm Kế hoạch Marshall cho Ukraine

12/05/2022, 14:52

Các quan chức hàng đầu châu Âu ủng hộ kế hoạch tái thiết Ukraine, tương tự như kế hoạch Marshall của Mỹ giành cho châu Âu sau Thế chiến 2, với số tiền có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 11/5 cho rằng, hậu quả chiến sự ở Ukraine có thể kéo dài 100 năm. Ông cảnh báo Ukraine có thể phải đối mặt bom, mìn, vật liệu nổ rải rác trên khắp đất nước, hậu quả từ chiến dịch quân sự do Nga phát động, kéo dài trong 100 năm. Các nước đồng minh cần giúp đỡ Ukraine tái thiết đất nước sau chiến sự.

“Những ai sống ở Đức đều biết những quả bom từ Thế chiến 2 giờ vẫn thường được tìm thấy. Ukraine nên chuẩn bị cho cuộc chiến với hậu quả của chiến sự hiện nay trong 100 năm tới. Đây là lý do chúng ta sẽ phải làm việc cùng nhau để tái thiết Ukraine’, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh.

mariupol.jpg
Cơ sở hạ tầng nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol của Ukraine bị phá hủy nặng nề. Ảnh: Reuters

Ông Werner Hoyer, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cũng ủng hộ kế hoạch hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước, nhưng cho rằng, châu Âu không nên bị bỏ lại một mình gánh vác “hóa đơn khổng lồ” với số tiền có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Sau Thế chiến 2, Mỹ đã cung cấp cho Tây Âu số tiền lên tới 200 tỷ USD (theo giá trị ngày nay) trong 4 năm theo chương trình có tên là Kế hoạch Marshall. Ông Hoyer cho rằng Ukraine cũng cần một chương trình tương tự. Chi phí cho việc tái thiết Ukraine đã được thảo luận trong các cuộc họp gần đây tại Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Gói hỗ trợ nghìn tỷ?

“Việc khôi phục, tái thiết Ukraine sẽ tốn những gì? Con số cụ thể hiện vẫn chưa rõ, nhưng rõ ràng là chúng ta sẽ không nói về con số hàng triệu mà là hàng nghìn tỷ”, ông Hoyer cho biết.

Tuyên bố của ông Hoyer cũng cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách sử dụng sức mạnh quốc tế của EIB - ngân hàng thường cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, để đối phó với những tác động kinh tế chưa từng thấy do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

“Việc đảm bảo có thể chuyển những khoản hỗ trợ này cho Ukraine sẽ là một thách thức lớn. Các nhà lãnh đạo chính trị phải quyết định càng sớm càng tốt. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần một cấu trúc thực sự hướng đến quan điểm toàn cầu chứ không chỉ những người đóng thuế ở Liên minh châu Âu”, ông Hoyer nói.

Cuộc chiến ở Ukraine đang phá hủy cơ sở hạ tầng, làm gián đoạn hoạt động kinh tế thông thường và khiến khoảng 11 triệu người mất nhà ở. Giới tình báo Mỹ dự đoán đây là một cuộc xung đột kéo dài.

Kinh tế Ukraine dự kiến suy thoái 45% trong năm nay, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết ngày 11/5.

“Người dân Ukraine đang phải trả cái giá quá lớn và cái giá này không thể đánh giá hết được”, ông Marchenko nói.

Ngân hàng Trung ương Ukraine ước tính 1/3 số công ty tại nước này đã phải dừng hoạt động sản xuất, trong khi Liên Hợp Quốc ước tính gần 6 triệu người, chiếm khoảng 13% dân số, đã tới các nước khác để tránh xung đột.

Tổ chức Nghiên cứu chính sách kinh tế ước tính chi phí tổng thể để tái thiết Ukraine hiện đã ở mức 500-600 tỷ euro (528-633 tỷ USD), gấp hơn 3 lần sản lượng kinh tế hàng năm của nước này giai đoạn trước chiến tranh.

Ông Hoyer dự báo con số này sẽ gia tăng nhanh chóng.

Châu Âu sẽ hỗ trợ Ukraine như thế nào?

Theo ông Hoyer cho biết, một phần quan trọng trong kế hoạch giúp Ukraine tái thiết đất nước là để các ngân hàng lớn được nhà nước tài trợ của phương Tây “bảo lãnh” chính phủ Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc.

Làm như vậy có thể giúp Kiev tiếp cận trở lại với các thị trường tài chính toàn cầu, tương tự như Iraq đã làm sau Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2, và cũng giúp tăng tốc quá trình tái thiết.

“Nếu chúng ta muốn thu hút cộng đồng các nhà đầu tư đem tiền của họ cho chúng ta, chúng ta cần trao lại cho họ sự đảm bảo”, ông Hoyer đề cập tới việc tránh thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư.

Nhiều quỹ đầu tư toàn cầu do tư nhân điều hành đã cung cấp khoản vay cho chính phủ và các công ty của Ukraine từ năm 2015. Các quỹ này cho biết, họ hiểu rằng chắc chắn Ukraine sẽ cần các khoản vay khác.

“Tôi cho rằng sẽ phải có một cuộc thảo luận với người Ukraine về việc làm thế nào để nguồn tiền đến từ phương Tây được chi tiêu tốt nhất”, ông Sailesh Lad của Giám đốc Công ty Đầu tư AXA cho biết.

Ông Hoyer cho biết, EIB hiện đã chuẩn bị một số khoản hỗ trợ tài chính cho Ukraine, và cũng sẵn sàng chi khoản hỗ trợ khác trị giá 1,5 tỷ euro nếu được Ủy ban châu Âu chấp thuận.

Dù vậy, ông Hoyer cho rằng, “vấn đề không chắc chắn” đối với cả Ukraine và các nhà đầu tư là liệu Nga có bị đẩy lùi một cách dứt khoát hay vẫn bị kẹt trong một loạt các cuộc xung đột đóng băng như ở Crimea.

Theo ông Hoyer, viện trợ quốc tế có thể được sử dụng để cấp tiền cho cơ sở hạ tầng đường sắt vận chuyển lúa mì thu hoạch từ năm 2021. Hiện khối lượng lúa mì ước tính trị giá khoảng 8 tỷ euro vẫn đang bị kẹt ở Ukraine.

“Một phần của vấn đề là Ukraine đang ở trên vựa lúa mì mà không thể chuyển nó thành tiền. Điều này cần phải được giải quyết”, ông Hoyer nói.

Ông cũng nói rằng một số khoản viện trợ tài chính có thể được gửi đi trước xung đột kết thúc, ví dụ như để sửa chữa các cây cầu ở những khu vực an toàn hơn ở Ukraine./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Động thái nguy hiểm của Đức có thể khiến chiến tranh Nga-Ukraine vượt vòng kiểm soát
Đức nổi tiếng về mức độ ôn hòa trước các hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Nhiều người tin rằng việc Đức phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga sẽ khiến Đức khó cứng rắn với Nga. Nhưng Đức đã có động thái chưa từng có tiền lệ là viện trợ pháo hạng nặng cho Ukraine.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu đi tìm Kế hoạch Marshall cho Ukraine