Theo dõi trên

Chợ truyền thống: Qua rồi thời hoàng kim?

07/09/2023, 05:16

Hôm nghỉ lễ 2/9 vừa qua, nhóm bạn ở Đồng Nai ghé chơi, ngỏ ý muốn vào chợ Phan Thiết tham quan sẵn mua sắm ít đồ về làm quà. Tôi dẫn bạn đi dạo vòng quanh chợ, ngoài những quầy hàng ăn uống, thực phẩm tươi sống nhộn nhịp, thì hầu hết những quầy hàng còn lại đìu hiu, vắng bóng người mua.

Nhóm bạn ngạc nhiên hỏi tôi “những ngày lễ thế này tiểu thương không bán được, thì ngày thường sẽ ra sao?”. Tôi hỏi lại: “Thế bạn có thích cảm giác vào chợ mua sắm không?”. Bạn suy nghĩ rồi bảo: “Thích lắm vì hàng hóa đa dạng, tuy nhiên do chợ Phan Thiết nóng quá, không gian chật hẹp, các quầy hàng san sát giữa lối đi, hàng hóa không treo đa dạng như ở các shop, ngán nhất là lên lầu…”. Vì thế, mới đi một chút cả nhóm vã mồ hôi, mà chưa lựa được quà gì ưng ý. Cuối cùng nhóm bạn đành phải chọn phương án vào siêu thị để mua sắm, dù rất muốn quay trở lại cảm giác đi chợ như 10 năm về trước.

66581d579bac5af203bd.jpg
Chợ Phan Thiết vắng người mua.

Còn nhiều lý do khác nữa khiến chợ truyền thống nơi đây một thời từng là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch lẫn người địa phương. Thế nhưng những năm gần đây, các tiểu thương ở chợ “kêu trời” vì kinh doanh ế ẩm, người bán nhiều hơn người mua, quầy sạp dần đóng cửa vì không có khách ghé mua. Báo Bình Thuận từng có nhiều bài viết phản ánh tình trạng trên, nhiều tiểu thương kiến nghị những bất cập đang gặp phải, buộc phải sang sạp, chuyển hướng kinh doanh khi lượng khách vào chợ giảm đến 70 – 80%. Vậy phải chăng chợ truyền thống đã qua rồi thời hoàng kim?

5109651fe3e422ba7bf5.jpg
Nhiều kios phải đóng cửa, treo bảng sang sạp.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, 40% lưu lượng hàng hóa vẫn được lưu thông qua các mạng lưới chợ, đặc biệt ở khu vực nông thôn tỷ lệ này còn lên tới 70%. Do vậy, chợ vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động mua bán hàng ngày của người dân Việt Nam. Điển hình như chợ truyền thống ở thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong), dù vẫn có siêu thị, vẫn có sự hiện diện của các cửa hàng tiện lợi, nhưng chợ vẫn là mạch sống không chỉ của người dân nơi đây mà của những địa phương lân cận. Sự sầm uất, nhộn nhịp, tấp nập vẫn hiện hữu mỗi ngày ở khu chợ này dù chợ chưa được xây mới. Có lẽ vì thế, sau 1 thời gian các cửa hàng tiện lợi len lỏi cạnh tranh với chợ truyền thống nơi đây, đã phải “chào thua”!

6c235e3dd8c6199840d7.jpg
Để tồn tại buộc tiểu thương ở các chợ phải thay đổi!

Vậy phải chăng câu chuyện chợ truyền thống vắng khách, ế ẩm chỉ rơi vào những chợ ở đô thị lớn? Ngoài nguyên nhân khách quan như sự bùng nổ của các phương thức kinh doanh online tiện lợi, nhiều cửa hàng, siêu thị len lỏi vào tận khu dân cư với không gian thoáng mát, sạch sẽ, giá cả niêm yết công khai… thì một trong những lý do không kém phần quan trọng khiến chợ truyền thống “mất điểm”, đó là vì hạ tầng xuống cấp hoặc xây dựng mới không phù hợp, các quầy hàng bố trí chưa đồng bộ, hàng hóa chưa niêm yết giá, vẫn còn tình trạng nói thách… Vì thế, để tồn tại buộc tiểu thương ở các chợ phải thay đổi!

71800ee7881c4942100d.jpg
Biến chợ truyền thống thành 1 điểm đến đặc biệt trong hành trình khám phá Bình Thuận.

Không còn cảnh sáng mở sạp chờ khách đến, mà nay một số tiểu thương phải tiếp cận thị trường qua các trang mạng xã hội, vừa livestream, vừa đăng thông tin sản phẩm trên các nền tảng số… Song song đó, để hút khách vào chợ trở lại, không riêng gì các tiểu thương mà chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ cần có sự thống nhất về phương pháp mua bán, đổi mới tư duy. Nghĩa là, buộc niêm yết giá, gian hàng cần tươm tất hơn, “vui vẻ khách đến vừa lòng khách đi”, không chèo kéo, không nói thách, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, cần có những gian hàng bán sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, đặc sản của Bình Thuận, có nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tăng tính cạnh tranh của chợ truyền thống so với các kênh bán lẻ hiện đại... Phải thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp thì dù có buôn bán ở đâu, khách cũng sẽ tìm đến.

Những năm gần đây, ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống. Trong đó, giao các huyện rà soát mạng lưới chợ tại địa phương cho phù hợp với nhu cầu mua sắm và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó, có thể chuyển đổi công năng chợ hoạt động không hiệu quả, xã hội hóa các chợ theo hướng hiện đại, văn minh.

Nếu mỗi tiểu thương chịu khó thay đổi, cùng Ban quản lý chợ, ngành chức năng xây dựng phương pháp bán hàng chủ động hơn, thông minh hơn, thì việc biến chợ truyền thống thành 1 điểm đến đặc biệt trong hành trình khám phá, tham quan Bình Thuận không còn là chuyện quá xa vời.

SONG NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát triển chợ truyền thống: Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Không khó hiểu khi đa số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình cảnh buôn bán ế ẩm, đìu hiu. Một trong những nguyên nhân chính là sự xuất hiện của hàng loạt loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại trong thời gian gần đây và không thể giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tự phát ngày càng tràn lan. Vậy tiểu thương ở các chợ làm gì giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt này?
Nổi bật
Cử tri thị trấn Tân Nghĩa và xã Tân Phúc kiến nghị giải quyết thủ tục pháp lý về đất đai
BTO-Trong ngày 4/5, ông Nguyễn Hữu Thông - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận đã lần lượt tiếp xúc cử tri thị trấn Tân Nghĩa và xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số sở ngành, đơn vị liên quan của tỉnh, lãnh đạo huyện Hàm Tân và địa bàn cơ sở nơi ĐBQH tiến hành tiếp xúc cử tri.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ truyền thống: Qua rồi thời hoàng kim?