Một trong những yếu tố quan trọng khiến chợ truyền thống qua “thời hoàng kim” là sự xuất hiện của hệ thống bán lẻ hiện đại với nhiều hình thức mua bán linh động, tiện lợi. Do đó, chợ truyền thống vô tình rơi vào thế ”kẹt”, buộc các tiểu thương phải thay đổi để tồn tại.
Xu thế tiêu dùng mới
Nếu trước đây bà Đinh Ngọc Phụng (phường Phú Thủy) đi chợ Phú Thủy mỗi ngày, thì nay thói quen ấy giảm dần chỉ còn khoảng 1 - 2 ngày/tuần, thời gian còn lại bà vào siêu thị mua sắm hoặc mua online. Bà Phụng chia sẻ: “Từ khi có hệ thống siêu thị, tôi giảm tần suất đi chợ truyền thống, vì các siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đồng thời hàng hóa, thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng nên tôi yên tâm hơn”.
Theo khảo sát của chúng tôi, thời gian qua, không riêng gì các thành phố, đô thị lớn mà các thị trấn, các xã có dân cư đông đúc trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện nhiều cửa hàng tiện ích thuộc các hệ thống bán lẻ tiện lợi như: Vinmart+, Co.opFood, Bách Hóa Xanh… Các chuỗi cửa hàng này là một trong những kênh mua sắm mới ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Chính điều này khiến sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống giảm, trong đó, những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... bị tác động nhiều nhất. Các cửa hàng này có không gian mua sắm thoáng mát, tiện lợi, giá cả được niêm yết rõ ràng, thanh toán thuận tiện… nên thu hút người tiêu dùng đến mua sắm hơn. Chưa kể, tại các cửa hàng này còn có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá và cả dịch vụ giao hàng tận nơi theo nhu cầu của người mua. Theo các tiểu thương, thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài, người tiêu dùng quen dần với việc mua sắm online từ con cá, bó rau, miếng thịt… đều có người giao tận nơi, nên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chợ càng vắng khách.
Tại chợ Phú Thủy, một trong những chợ kinh doanh nhộn nhịp, sầm uất nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kênh bán lẻ này cũng đang bị “đe dọa” khi chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini xuất hiện “bao vây” chợ. Xung quanh chợ có đến 2 cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm trên đường Lê Văn Phấn và Thủ Khoa Huân, cách đó không xa là Vinmart+ nằm trên đường Nguyễn Tương và siêu thị Lotte Mart chỉ cách chợ chừng 500m. Tại các hệ thống bán lẻ này, luôn có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá liên tục, quảng cáo bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. Thêm vào đó, nhân viên phục vụ nhiệt tình, người dân mua sắm trong không gian mát mẻ, sạch sẽ, không phải vào chợ lầy lội, nóng bức. Nguyễn Thanh Lan - tiểu thương kinh doanh hóa mỹ phẩm trong chợ Phú Thủy chia sẻ: “Trước đây, tôi bán chạy các mặt hàng như dầu gội, sữa tắm, nước giặt, kem đánh răng… Từ ngày có các chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh thu của tôi giảm sâu đến 30 - 40%, vì họ liên tục có những chương trình khuyến mãi, quà tặng. Vì vậy, khách ghé hàng mua ngày càng thưa vắng”.
Phải thay đổi để phát triển
Có thể thấy, người tiêu dùng hiện nay đang thay đổi dần thói quen mua sắm khi tiếp cận công nghệ 4.0. Chính sự xuất hiện hàng loạt các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị đã góp phần tạo ra điều đó. Tuy nhiên, cũng có những nơi, chợ truyền thống vẫn có sức hút, nhất là ở những đô thị có tiềm năng phát triển du lịch lớn. Điển hình là chợ Phan Rí Cửa (Tuy Phong) – một trong những chợ sầm uất nhất của huyện. Tuy xung quanh chợ đã có sự xuất hiện chuỗi cửa hàng Bách Hoa Xanh, chợ chưa được đầu tư xây mới khang trang, nhưng nơi đây đang trở thành điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch ghé ngang mua hải sản tươi sống. Khi du lịch ở huyện phát triển, chợ hải sản Phan Rí Cửa hứa hẹn sẽ nhộn nhịp hơn và có sức cạnh tranh không hề thua kém.
Tuy nhiên, theo xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi, thì các kênh bán hàng truyền thống rất cần có sự thay đổi, cải tiến mạnh mẽ mới có thể cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Để giữ khách quen cũng như tăng doanh thu, chị Lan (chợ Phú Thủy) từ người không biết gì về facebook, cũng học hỏi rồi đăng sản phẩm của mình bán online, kèm theo dịch vụ giao hàng tận nơi.
Chị Lan chia sẻ thêm: “Tôi nhờ con cái rành công nghệ hướng dẫn, cách đăng bài, kiểm tra tin nhắn, rồi phải nghĩ ra nhiều chương trình kèm quà tặng để thu hút khách, tìm mối bỏ sỉ ở các chợ nông thôn. Nhờ vậy, hàng bán mới chạy, doanh thu mới ổn định hơn”. Cũng như chị Lan, chủ các shop giày dép, quần áo ở chợ Phan Thiết cũng buộc phải tiếp cận công nghệ để tăng doanh thu. Chủ shop giày Thanh Thúy cho biết: “Từ khi vào chợ mới, buôn bán ế thấy rõ, nên tôi trả bớt ki-ốt, dành không gian vừa đủ để làm kho chứa hàng, chứ khách ghé mua trực tiếp không còn. Tôi phải tận dụng mạng xã hội vừa bán hàng online, vừa tham gia các hội nhóm săn hàng thời trang, vừa livestream…, giao hàng tận nơi. Nhờ vậy, việc kinh doanh mới trụ nổi đến hôm nay”. Không chỉ thay đổi hình thức bán hàng, các tiểu thương trong chợ truyền thống cũng thay đổi dần thái độ phục vụ người tiêu dùng, thân thiện mời chào không còn cảnh chèo kéo, tỏ thái độ khó chịu khi khách không mua, và nhất là không còn tình trạng thách giá quá cao.
Sự gia tăng ngày càng nhiều siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cho thấy sự bắt nhịp của các doanh nghiệp trong nước trước xu thế mới của hội nhập. Theo các tập đoàn lớn đánh giá, đây là xu hướng của tương lai, họ có thể thua lỗ trong vài năm đầu, nếu trụ vững sẽ được nhiều “trái ngọt”, bởi lẽ quy mô gia đình nhỏ (gia đình 4 người) ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với nhu cầu mua sắm tiện lợi. Thêm vào đó, phụ nữ ngày nay không đơn thuần ở nhà nội trợ nữa, họ vẫn đi làm, do đó sẽ ưu tiên các cửa hàng tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, để cạnh tranh được trong cuộc chiến khốc liệt này, các cửa hàng hiện đại lẫn chợ truyền thống đều cần phải đáp ứng các tiêu chí về tiện lợi, đa dạng và giá cả sản phẩm phải cạnh tranh.
Không chỉ thay đổi hình thức bán hàng, các tiểu thương trong chợ truyền thống cũng thay đổi dần thái độ phục vụ người tiêu dùng, thân thiện mời chào không còn cảnh chèo kéo, tỏ thái độ khó chịu khi khách không mua, và nhất là không còn tình trạng thách giá quá cao.