Theo dõi trên

Phát triển chợ truyền thống: Cuộc cạnh tranh khốc liệt

16/05/2022, 05:07

Không khó hiểu khi đa số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình cảnh buôn bán ế ẩm, đìu hiu. Một trong những nguyên nhân chính là sự xuất hiện của hàng loạt loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại trong thời gian gần đây và không thể giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tự phát ngày càng tràn lan. Vậy tiểu thương ở các chợ làm gì giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt này?

Bài 1: Qua rồi thời vàng son

Cách đây chừng 10 năm, hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh là nơi buôn bán, kinh doanh sầm uất. Người tiêu dùng có nhu cầu món hàng gì từ nhỏ đến lớn đều phải ghé chợ và thói quen đi chợ được xem là nét văn hóa đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Nhưng vài năm trở lại đây, thói quen ấy đang thay đổi dần, kéo theo lượng khách hàng vào chợ giảm đáng kể.

Ế ẩm, đìu hiu

Từng được xem là một trong những điểm mua sắm hàng đầu không chỉ của dân địa phương mà cả khách du lịch, chợ Phan Thiết từng nhộn nhịp, sầm uất, tấp nập bao nhiêu thì nay trầm lắng, tiêu điều bấy nhiêu. Chợ Phan Thiết được xây dựng mới từ năm 2015, với quy mô 13.600 m2 1 trệt, 1 lầu hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, tình hình kinh doanh tại chợ ngày càng giảm sút. Dạo vòng quanh chợ giờ cao điểm, tầm 9 – 11 giờ sáng ngày cuối tuần, khác với những gì chúng tôi suy nghĩ, là nhộn nhịp kẻ đến người đi, lời mời chào của tiểu thương xen lẫn lời ngã giá của khách hàng tạo nên không gian chợ ồn ào, náo nhiệt. Nhưng không, những dãy hàng quần áo, giày dép, đồ chơi, hóa mỹ phẩm không một bóng người. Thỉnh thoảng chỉ có vài ba người đến xem rồi đi, còn lại các tiểu thương ngồi buồn lướt mạng xã hội, hay tụm lại chuyện trò.

6c235e3dd8c6199840d7.jpg
Khu lồng chợ ngành hàng tươi sống, người bán  nhiều người người mua.

Khi chúng tôi hỏi về sức mua thế nào, ai cũng lắc đầu, than ngắn thở dài. Hơn 20 năm buôn bán quần áo trong chợ, bà Nguyễn Thị Lành chứng kiến bao sự đổi thay, thăng trầm. Bà Lành kể: “Hơn 10 năm trước, chợ Phan Thiết đông đúc, tấp nập, ngày cuối tuần là khách mua sắm rất đông. Tôi phải thuê thêm 2 người phụ bán mà không ngơi tay. Vài năm trở lại đây, từ khi chợ xây mới thì sức mua giảm hẳn, bán được vài trăm ngàn đồng/ngày là mừng lắm, có hôm dọn hàng ra rồi lại dọn vào không có 1 người khách ghé qua”.

66581d579bac5af203bd.jpg
Dãy hàng quần áo ở chợ Phan Thiết không 1 bóng người mua sắm.

Khu B trên lầu càng đìu hiu hơn, quầy đóng cửa nhiều hơn quầy bán. Đi ngang hàng nhang giấy không một bóng người, lại tối tăm, nóng bức, chúng tôi thầm nghĩ nếu không có nhu cầu mua gì, chắc chẳng ai dám lên lầu mà dạo chợ. Thấy bà H. đang ngồi xếp giấy, xung quanh sạp của bà đều đóng cửa hoàn toàn. Hơn 30 năm gắn bó với chợ này, bà H. cho biết chưa bao giờ rơi vào cảnh ế ẩm, thê thảm như bây giờ. Bà H. phân tích: “Chợ ế ẩm một phần do nhiều siêu thị, các điểm bán lẻ hiện đại mọc lên. Nhưng phần lớn là do sắp xếp ngành hàng trong chợ chưa hợp lý, không khoa học. Chỉ sau 2 năm chợ mới đi vào hoạt động, tiểu thương đành phải ngừng kinh doanh, treo bảng sang sạp với giá rẻ bèo nhưng cũng không ai thuê. Mặt khác, chợ cóc, chợ tạm mọc tứ phía, bán đủ mặt hàng thì không khách nào còn muốn lên lầu mua sắm. Một số tiểu thương mặt hàng tươi sống như cá, thịt… cũng bỏ sạp trong lồng chợ, ra lề đường ngồi bán với giá 50.000 – 100.000 đồng/buổi”.

Không riêng gì chợ Phan Thiết, những chợ truyền thống khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Một số chợ xuống cấp, nhếch nhác, khiến tình trạng sang nhượng ki-ốt, quầy sạp trong chợ càng nhiều.

5109651fe3e422ba7bf5.jpg
Rất nhiều ki-ốt trong Chợ Phan Thiết buộc phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả.

Chợ tự phát bủa vây

Một trong những nguyên nhân khiến chợ truyền thống rơi vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu là sự “bành trướng” của các chợ tự phát. Nhiều năm qua, chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè xuất hiện nhiều ở TP. Phan Thiết, trở thành vấn nạn khó giải quyết của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Khảo sát xung quanh các chợ truyền thống ở TP. Phan Thiết như chợ Phan Thiết, chợ Phú Thủy, chợ Phường, chợ Gò… các tuyến đường xung quanh chợ như Lý Thường Kiệt, Ngô Sĩ Liên, Lê Hồng Phong, Lê Văn Phấn, Nguyễn Hội, Pasteur… đều bị lấn chiếm để buôn bán. Các tuyến đường này trở thành những “điểm nóng” về trật tự đô thị, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Chính quyền, lực lượng chức năng nhiều lần vào cuộc lập lại trật tự, tuy nhiên, dù đã rất quyết liệt nhưng vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Một tiểu thương bán thịt heo trong chợ Phú Thủy chia sẻ: “Tiểu thương kinh doanh trong chợ buộc phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, phải đóng các loại thuế phí, nhưng lại bán không bằng những người bán ngoài đường vì khách vô chợ ngày một ít. Người mua chỉ cần tạt qua là mua được thứ mình cần, không tốn tiền gửi xe, không phải xách nặng, nên việc vào chợ dường như bị lãng quên. Trên các tuyến đường này bán đầy đủ thực phẩm từ rau, củ quả đến thịt, cá, trứng… khiến những người kinh doanh cùng mặt hàng trong lồng chợ buôn bán ngày càng khó khăn”.

b94bc7aa4f518e0fd740.jpg
Lồng chợ Phú Thủy mở rộng không ai vào buôn bán
bc00baef3214f34aaa05.jpg
Nhiều ki-ốt đóng cửa im ắng, các tiểu thương ra mặt đường Lê Văn Phấn ngồi bán

Một bất cập nữa hiện nay là, chợ Phú Thủy mở rộng được xây dựng khang trang nhiều năm nay lại không ai thèm vào buôn bán. Chợ Phú Thủy mở rộng được khánh thành vào đầu năm 2015 với diện tích gần 3.700 m2 gồm 58 ki ốt và 137 ô sạp với tổng kinh phí đầu tư 11 tỷ đồng. Tuy được đầu tư xây mới nhưng đến nay vẫn chỉ có vài ki ốt mặt tiền Lê Văn Phấn đi vào hoạt động, còn bên trong lồng chợ hầu như đều đóng cửa im ắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian đầu một số tiểu thương đã dọn vào chợ mở rộng để buôn bán nhưng không có người vào mua nên đành đóng cửa. Trong khi đó, số người buôn bán dọc trên tuyến đường Lê Văn Phấn, Nguyễn Tương, Lâm Đình Trúc vẫn nhộn nhịp như thường. Vì vậy, các tiểu thương không thể buôn bán và quyết định sang nhượng ki ốt.

Các tiểu thương ở chợ Phú Thủy cho biết: “Hiện nay, hơn 80 tiểu thương buôn bán tại các lòng lề đường, vỉa hè mà không phải mất phí. Nếu chính quyền địa phương không giải quyết tình trạng chợ tạm, chợ cóc phát sinh thì chợ Phú Thủy mở rộng không thể hoạt động, càng không ai vào mua bán…”.

Lãnh đạo UBND phường Phú Thủy cho biết, mặc dù UBND phường đã chỉ đạo Ban quản lý chợ Phú Thủy, Công an phường và lực lượng bảo vệ dân phố nhiều lần ra quân lập lại trật tự đô thị tuyến đường Lê Văn Phấn và các tuyến đường xung quanh chợ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức đến đông đảo người dân không nên mua bán 2 bên đường. Tuy nhiên khi có lực lượng chức năng kiểm tra, những tiểu thương này chạy dạt sang khu vực khác, còn khi vắng bóng lực lượng chức năng họ lại tràn về buôn bán.

Bà Nguyễn Thị Minh Trầm – Phó Ban Quản lý chợ Phan Thiết cho biết: “Trước đây chợ có 1.216 ki-ốt, quầy với hơn 900 tiểu thương, hiện nay chỉ còn khoảng 759 ki-ốt, quầy thường xuyên hoạt động, nhưng phần lớn cũng đang rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm. Một phần do sắp xếp ngành hàng trong chợ chưa hợp lý, cộng thêm xu hướng bán hàng online phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tình trạng chợ tự phát xung quanh chợ gây rất nhiều bức xúc, khó khăn cho việc kinh doanh của tiểu thương trong chợ, nhưng BQL không thể xử lý được vì không nằm trong phạm vi chợ. Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp công an các phường thường xuyên ra quân xử lý tình trạng chợ cóc, chợ tạm này nhưng đâu lại vào đó”.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phan Thiết: Điều tiết hoạt động các chợ truyền thống
BT- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP. Phan Thiết đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch kịp thời tại các khu vực chợ truyền thống. Điều này giúp chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, góp phần giúp địa phương đạt mục tiêu kép.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển chợ truyền thống: Cuộc cạnh tranh khốc liệt