Theo dõi trên

Chọn bài đọc - hiểu

16/12/2022, 05:57

Tìm ngữ liệu để đưa vào tài liệu giáo dục địa phương nói chung và nội dung môn ngữ văn nói riêng là một công đoạn rất khó khăn cho anh em biên soạn. Nhóm tôi được phân công phụ trách phần ngữ văn địa phương, đi tìm ngữ liệu mới thấy quả là vất vả.

Khi chọn nội dung truyện dân gian địa phương, tìm đọc đến 7 đầu sách của những tác giả đã sưu tầm in ấn phát hành từ trước đến nay. Một trong những tác phẩm chọn ban đầu để cơ cấu vào phần đọc hiểu, chúng tôi chọn truyện Sự tích đàn đá Bác Ái của dân tộc Raglai, thể loại truyện cổ tích, có yếu tố truyền thuyết. Truyện mang nhiều yếu tố kỳ ảo – hoang đường, nhằm tô điểm thêm cho sự ra đời ly kỳ, hấp dẫn của một loại nhạc cụ độc đáo – đàn đá. Nhưng gác qua một bên cái vỏ hoang đường ấy, ta bắt gặp ở đó tâm hồn, tình cảm, sự say mê nghệ thuật âm nhạc và ý thức lao động của người Raglai. Quá trình làm nên vốn của cải tinh thần (đàn đá) quý giá ấy phải trả giá bằng cả nước mắt và máu. Nó đã trở thành vốn văn hóa quý giá góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần giúp cho người Raglai vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Và nghĩ rằng, đặc điểm phạm vi địa phương của truyện dân gian mang tính vùng miền khá mở rộng, người Raglai có mặt ở nhiều tỉnh phía Nam Trung bộ, dân số người Raglai ở Bình Thuận cũng khá đông – trên 15 ngàn người. Nhưng khi bài soạn đưa lên hội đồng phản biện và thẩm định, anh em nói nên thay truyện khác để giáo viên và học sinh khỏi thắc mắc, vì ngay trong nhan đề của truyện ghi hẳn từ Bác Ái là địa danh thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, chứ không phải tỉnh Bình Thuận. Trong tình thế góp ý như vậy nên phải lột bỏ đi một truyện khá hay để tìm một truyện khác thay thế.

cham.jpg
Lễ hội Ramưwan của người Chăm Bàni. Ảnh minh họa.

Trường hợp thứ hai là ranh giới giữa trường ca và truyện cổ dân gian. Khi tìm tài liệu chúng tôi thấy có giới thiệu 2 bản trường ca – nói sát hơn là 2 chuyện tình của dân tộc Chăm, được đánh giá rất cao về nội dung và nghệ thuật. Đó là trường ca Bini – Chăm và Chăm – Bini. Nhưng văn bản thơ đến thời điểm này chúng tôi chưa tìm thấy, chỉ thấy người sưu tầm ghi lại nội dung bằng văn xuôi, nên tạm xếp vào thể loại truyện dân gian. Hai truyện đều đề cập đến đời sống tình cảm lứa đôi của tuổi trẻ trong sự mâu thuẫn tôn giáo làm cho đôi lứa khổ đau dẫn đến tan vỡ bi thảm. Nhưng nội dung 2 câu chuyện xảy ra ở 2 tầng lớp khác nhau. Bini – Chăm nói về tầng lớp quý tộc, kể về một hoàng tử theo đạo Bàlamôn và một công chúa theo đạo Hồi, họ yêu nhau thắm thiết, nhưng gặp phải bức tường ngăn cách lâu đời về tín ngưỡng tôn giáo, đến mức không dung hợp được với tình yêu dân tộc, dẫu đứng trên đỉnh cao nhất trong xã hội như vậy nhưng cả hoàng tử và công chúa đều bất lực không thể vượt qua, dẫn đến hậu quả nổ ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, đổ vỡ truyền thống đoàn kết dân tộc, làm cho quê hương đất nước tang thương(1). Còn chuyện tình Chăm – Bini (còn gọi Chăm – Bà Ni) kể về đôi trẻ ở tầng lớp thứ dân, thân nhau từ lúc ấu thơ, từ khi chăn bò, chăn dê ngoài rừng ngoài ruộng, tình bạn trẻ thơ hồn nhiên đẹp đẽ ấy lớn theo thời gian thành tình yêu đôi lứa, họ yêu nhau say đắm, nhưng cũng giống như anh chàng hoàng tử và cô công chúa trong Bini – Chăm kia, họ bị bức tường mâu thuẫn tín ngưỡng tôn giáo ngăn cách, không thể vượt qua. Nhưng kết cuộc không có chiến tranh xảy ra, mà chính bản thân đôi trẻ đáng yêu kia đến phút cuối cùng tự nguyện ôm nhau chết trên giàn hỏa thiêu, tạo thành hai cuộn khói xoay tít lên trời quấn quýt vào nhau, như là biểu tượng khát vọng được sống được yêu một thời của tuổi trẻ.

Chúng tôi chọn Chuyện tình Chăm – Bà Ni(2), kể về mối tình của người dân thường, để đưa vào tài liệu dạy – học, giúp cho đối tượng đọc hiểu cảm thấy gần gũi với cuộc sống đời thường hơn. Chúng tôi có trao đổi với anh em trong hội đồng phản biện rằng, tuy không dám so sánh hơn thua, nhưng Chuyện tình Chăm – Bà Ni không khác gì bi kịch chuyện tình Romeo và Juliet của William Shakespeare mà sách giáo khoa lớp 11 đã từng trích dẫn cho học trò đọc hiểu. Song mâu thuẫn trong chuyện tình Romeo và Juliet là mâu thuẫn giữa hai dòng tộc, ngăn cấm không cho Romeo và Juliet lấy nhau, dẫn đến hậu quả là cái chết thương tâm của đôi trẻ, khi ấy hai dòng tộc mới thức tỉnh. Còn mâu thuẫn trong Chuyện tình Chăm – Bà Ni phạm vi xã hội có tầm rộng hơn, là mâu thuẫn tôn giáo – trong đó có ẩn chứa cả mâu thuẫn giai cấp. Kết thúc mối tình của đôi trẻ cũng là cái chết để hóa giải bức rào cản mâu thuẫn giữa hai tôn giáo, là bài học thấm thía muôn đời.

(1): Theo Địa chí tỉnh Bình Thuận, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Bình Thuận xuất bản năm 2006. (2): Truyện trích dẫn từ Truyện cổ các dân tộc Thuận Hải, Hội Văn nghệ Thuận Hải, 1987.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Tại Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2022 - 2027” đã đề ra một số mục tiêu và những giải pháp cụ thể nhằm hướng đến sự hài hòa trong quá trình giảng dạy, học tập và thực thi pháp luật tại các cơ sở GDNN cũng như cả hệ thống quản lý và vận hành...
Nổi bật
Du lịch nông thôn "lên ngôi"
Thứ 7 hôm rồi, tôi về biển Cam Bình (xã Tân Phước, thị xã La Gi) theo lời mời của vợ chồng Ánh Châu. Đây không phải là lần đầu tôi đến La Gi cũng như bãi biển Cam Bình nhưng đã hơn 5 năm nay, tôi mới có dịp trở lại do một phần vướng dịch Covid-19, một phần chưa có công việc liên quan. Biển Cam Bình nay khác xa với những năm trước bởi cảnh du khách dập dìu ăn uống, tắm biển.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chọn bài đọc - hiểu