Thưa ông xin ông cho biết lý do tại sao ĐBQH tỉnh Bình Thuận chọn giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Hữu Thông: Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá một cách khách quan về tính kịp thời, phù hợp (hợp hiến, hợp pháp), tính đồng bộ và khả thi của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Qua đó, làm rõ ưu điểm, hạn chế của việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL của tỉnh; làm rõ những nguyên nhân (chủ quan, khách quan) và rút ra bài học kinh nghiệm; đề xuất, kiến nghị giải pháp đến các cơ quan có thẩm quyền, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Đồng thời, qua giám sát góp phần giúp các cơ quan chuyên môn của tỉnh rà soát những văn bản không còn phù hợp để kịp thời có văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, gắn với việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL, góp phần đưa pháp luật sớm đi vào cuộc sống.
Qua giám sát ông có đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
Ông Nguyễn Hữu Thông: Về cơ bản, nội dung của các văn bản QPPL được các cơ quan tham mưu, ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và khả thi. Bên cạnh đó, các văn bản QPPL thuộc phạm vi giám sát về cơ bản đã được ban hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục và căn cứ pháp lý ban hành văn bản.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản QPPL trong kỳ giám sát vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số lĩnh vực còn nợ đọng văn bản; một số nội dung ban hành chưa đảm bảo tính kịp thời; một số nội dung ban hành nhưng tính khả thi, ổn định chưa cao. Mặt khác, việc thống kê, rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL tuy được các cơ quan xây dựng kế hoạch hàng năm nhưng có nơi chưa thực hiện thường xuyên, vẫn còn văn bản đã hết hiệu lực pháp luật nhưng chưa được rà soát, bãi bỏ; việc tham gia góp ý các dự thảo văn bản QPPL của các cơ quan, các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, đa số các trường hợp thì các cơ quan phối hợp chỉ “thống nhất” theo dự thảo. Ngoài ra, nhân sự, công chức pháp chế tại các cơ quan cũng đang gặp khó khăn, đa số cơ quan không có tổ chức pháp chế mà chỉ bố trí công chức kiêm nhiệm nhiệm vụ pháp chế hoặc giao cho các phòng nghiệp vụ soạn thảo văn bản khi có yêu cầu. Về nguyên nhân của những tồn tại trên đều xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan và từ phía cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và cả từ Bộ ngành Trung ương.
Vậy theo ông trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận cần chú trọng những vấn đề nào để việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL được thực hiện kịp thời, phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật?
Ông Nguyễn Hữu Thông: Để việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL được thực hiện kịp thời, phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, theo tôi trong thời gian tới tỉnh ta cần quan tâm thực hiện tốt một số việc. Trước tiên, việc xây dựng và ban hành Quyết định, Nghị quyết QPPL của tỉnh phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần phải xây dựng danh mục, Quyết định, Nghị quyết ban hành hằng năm, cả nhiệm kỳ để chủ động trong việc sắp xếp, tổ chức kỳ họp và phân bổ đủ nguồn lực thực hiện nghị quyết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các văn bản QPPL sau khi được HĐND tỉnh, UBND tỉnh thông qua.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong việc tham mưu cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh xây dựng dự thảo văn bản QPPL. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực tiễn; thu thập thông tin; các mục tiêu đề ra phải sát thực tế, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Đặc biệt phải chú trọng và làm tốt việc tham vấn ý kiến của nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động khi ban hành chính sách.
Về phía các cơ quan tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh cần tăng cường công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản QPPL. Khi thẩm định, thẩm tra cần thực hiện đúng quy trình, các tài liệu có liên quan đến nội dung thẩm định, thẩm tra cần được gửi sớm để cơ quan có nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin (có thể sắp xếp thời gian khảo sát thực tế) lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động và cả việc tổ chức phản biện của các tổ chức, cá nhân. Quan tâm hơn đến nguồn lực con người và kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, quyết định của UBND, HĐND đã được ban hành để kiểm chứng hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết và thường xuyên, kịp thời rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách mới, phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, đáp ứng quy định, yêu cầu của pháp luật cấp trên nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.
Xin cảm ơn ông!