Theo dõi trên

Chùa Phật nổi với pho tượng cổ A Di Đà

17/07/2022, 11:07

Những năm 80 của thế kỷ trước, những cuộc khảo sát, điều tra về di sản văn hóa Chămpa ở tỉnh Thuận Hải được tiến hành, có sự liên kết hướng dẫn của Bộ Văn hóa – Thông tin.

Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được đưa vào danh mục đăng ký bảo vệ. Nhờ đó mà những di sản văn hóa có giá trị hiện nay thì đa phần phát hiện từ giai đoạn lịch sử này, trong đó có chùa Phật nổi.

Chùa Phật nổi

Đến thôn Kim Bình, xã Hàm Thắng được người dân chỉ dẫn, chúng tôi đến một khu vườn khuất với nhiều bụi rậm, phía trong có ngôi chùa. Ở đây có nhiều người vừa Phật tử vừa người dân đang bái Phật. Những người sống xung quanh thấy có người lạ, họ cũng kéo đến. Và sự tích, tên gọi ngôi chùa được nhiều người cùng lúc kể lại, bổ sung cho nhau mãi.

Câu chuyện được kể lại một cách chính xác: Trước năm 1975, một đơn vị thuộc quân đội Việt Nam cộng hòa đã đóng quân ở thôn Kim Bình khá lâu. Ngày 5/8/1973 (7 tháng 7 năm Quý Sửu), bổng dưng quân lính phát hiện thấy phần đầu của một pho tượng Phật lồi lên phía trước đồn, người thấy mừng vì được gặp Phật là điều may mắn trong đời; người lại sợ vì tự nhiên chổ đất ấy hằng ngày họ vẫn thấy bình thường, tự nhiên sau một đêm lại nổi lên tượng Phật. Nguồn tin lan ra, rất nhiều người dân thường ngày không được vào đồn. Hôm đó nhân có sự kiện này họ kéo đến rất đông, cùng những người lính để thỉnh pho tượng lấm bùn đất vào tắm rửa và đặt tạm vào nơi cao ráo trong đồn. Ngày hôm sau nhiều người dân ở đây còn thấy tỉnh trưởng Bình Thuận lúc đó cũng đến thị sát sự việc. Những câu chuyện nửa thật, nửa tâm linh như thế gắn mãi với ngôi chùa và những di sản văn hóa nơi đây.

Sau đó Phật tử và người dân trong khu vực xin dựng lên một ngôi am nhỏ để thờ pho tượng. Cũng từ cơ duyên này một ngôi chùa dần dần hình thành lớn hơn, trang nghiêm hơn dưới sự chứng minh khai sơn của Hòa Thượng Thích Ấn Tâm. Chính sự phát hiện ra pho tượng này mà ngôi chùa được đặt tên là chùa Phật nổi (Một số nơi ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định cũng có những trường hợp ngẫu nhiên phát hiện tượng Phật tương tự như vậy, họ thường gọi là Phật lồi). Đồng thời chùa cũng được đặt hiệu Kim Linh Tự là muốn ghi lại một sự kiện hiếm thấy linh thiêng của pho tượng. Tuy vậy trong giới Phật tử và nhân dân vùng này cũng như những nơi khác vẫn quen gọi là chùa Phật nổi. Ngoài tượng Phật nổi chùa còn thờ tượng Đức Bổn Sư Thích Ca; tả hữu thờ Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng, phía sau chính điện thờ Tổ và chư Tiên linh.

Từ khi pho tượng Phật nổi thờ trong chùa, Phật tử và người dân xung quanh thường đến chùa trong cảnh yên bình. Không còn những câu chuyện đồn thổi xung quanh sự kiện Phật nổi nữa.

Về pho tượng Phật, một cụ già trước đây từng chứng kiến cho biết: đó là pho tượng đồng, cao khoảng 7 tấc (khoảng 70cm), nặng khoảng 40kg, tóc xoăn, trên đầu thủng một lỗ khá lớn. Sau này pho tượng đồng được xác định là tượng Phật A Di Đà. Còn vì sao pho tượng Phật A Di Đà lại được phát hiện (nổi lên) trong một quần thể tháp Chămpa có niên đại sớm thì đó lại là vấn đề khác, cần nghiên cứu sâu hơn về chuyên môn khảo cổ học ở một bài khác.

Trên thực địa, khi sở Văn hóa – Thông tin phối hợp các chuyên gia khảo cổ khai quật một số điểm ở khuôn viên chùa cho thấy: đây là khuôn viên của một nhóm đền tháp Chămpa có niên đại sớm khoảng thế kỷ 8, bao gồm nhiều ngôi tháp có kích thước và cấu trúc khác nhau đã bị sụp đổ hoàn toàn, hiện chỉ còn lại những gò đất cao xen lẫn gạch xây tháp loại lớn như ở khu tháp Pô Dam và Pô Sa Inư, đà tháp và cột đá sa thạch. Qua khảo sát cho thấy, ở đây từng tồn tại một nhóm với nhiều tháp Chăm có diện tích lên đến hơn 500m2, với các dấu tích vật chất còn khá đậm đặc.

Tượng Phật nổi không còn ở chùa

Tượng Phật nổi yên vị được khoảng 4 năm, thì năm 1976 pho tượng không cánh mà bay. Theo lời kể của các bậc cao niên và Phật tử ở chùa thì khoảng một năm sau giải phóng, sau một đêm thức dậy, mọi người trong chùa đều hốt hoảng vì tượng Phật nổi đặt trong chùa bị đánh cắp.

Những năm đầu sau giải phóng thì sự việc mất trộm tượng Phật trong chùa là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Do đó các cấp chính quyền và công an điều tra, tìm kiếm nhưng pho tượng vẫn biệt tăm, mất tích.

 Từ khi tượng bị mất, trong giới Phật tử thời gian này đồn thổi nhiều chuyện liên quan đến pho tượng. Khi chúng tôi hỏi về pho tượng bị mất trước đây, các cụ có mặt ở chùa nói rằng, họ tin pho tượng sớm muộn cũng sẽ được tìm thấy, không ai dám phá đâu, bởi từ xưa cha ông đã dặn: “Tội lấy trộm, phá huỷ tượng Phật thì nghiệp nặng lắm”. Có người còn cho biết cũng đã có người trộm tượng Phật nơi này, nơi kia tuy là để thờ nhưng cũng bị trừng phạt. Nhiều chuyện về những người ăn cắp, ăn trộm tượng cổ của chùa chiền thường gặp hậu vận xấu. Nhiều người còn cho rằng những kẻ có ý xấu với tượng cổ thì sẽ tạo ra nghiệp chướng về sau. Vì người ta tin rằng, từ xưa đến nay, các pho tượng ở trong chùa chiền luôn hội tụ được khí thiêng của trời đất, nên rất linh thiêng.

Từ khi tượng Phật nổi bị trộm cắp, nhà chùa đã phóng to ảnh pho tượng để thờ, thay thế vào nơi yên vị trước đây. Sau này nhiều năm khi đến đây vẫn còn thờ ảnh tượng Phật nổi. Hằng năm vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, Phật tử địa phương tổ chức kỷ niệm ngày pho tượng Phật nổi lên và cũng là ngày xuất hiện ngôi Chùa linh thiêng này.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Huy động lực lượng tham dự Đại hội TDTT lần IX - 2022
Ngày 14/7, Sở VHTT&DL đã trình văn bản cho UBND tỉnh về việc huy động lực lượng tham dự Đại hội TDTT lần IX – 2022.
Nổi bật
Giao thông “mở lối” cho người nghèo
Phần lớn các xã trong huyện Hàm Thuận Nam đều đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, trong khi các tiêu chí khác về hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt …đang cần thêm thời gian cho đầu tư hoàn thiện. Vì thế, có thể nói ở góc độ nào đó, giao thông tạo điều kiện cho các hạ tầng khác xuất hiện, mang tính như hạ tầng nền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chùa Phật nổi với pho tượng cổ A Di Đà