Theo dõi trên

Chuyển biến toàn diện từ nghị quyết của Đảng. Bài 2

17/08/2022, 05:29

Bài 2: Đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững

Trong mọi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta luôn yêu cầu các địa phương phải chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, quá trình đó phải dựa vào dân, lấy lợi ích của dân làm gốc. Tại Bình Thuận, yêu cầu ấy được thực hiện nghiêm túc, trở thành dòng chảy chính, xuyên suốt và mang lại hiệu quả toàn diện…

Thu nhập tăng gần 9 lần

Với chiều dài bờ biển 192 km, Bình Thuận có thêm nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch, thể thao biển. Trên thực tế, cùng với các ngành kinh tế mũi nhọn khác, những năm qua du lịch Bình Thuận với đặc trưng biển xanh - cát trắng - nắng vàng đã và đang vươn xa, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, tin tưởng của du khách khắp nơi trong và ngoài nước. Ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch Bình Thuận đã định vị được thương hiệu du lịch Mũi Né - Phan Thiết trên bản đồ du lịch thế giới, được nhiều tạp chí có uy tín bình chọn, công nhận là điểm đến lý tưởng. Giai đoạn 2005-2019, ngành du lịch Bình Thuận có bước phát triển đáng kể, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 12,3%/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 25,8%/năm.

song-ca-ty-phan-thiet-nhin-tu-tren-cao..jpg
TP. Phan Thiết nhìn từ trên cao.

Được biết, hiện nay Bình Thuận là địa phương trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia. Ngày 24/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã đề ra định hướng chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Bình Thuận, điều này thể hiện rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

2(2).jpg
Du khách đến tham quan, du lịch tại Suối Tiên, Mũi Né, TP. Phan Thiết.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, 18 năm qua dù gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, nhờ đó đạt kết quả toàn diện trên các mặt. Kinh tế liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là công nghiệp năng lượng, du lịch, nông nghiệp. Quy mô kinh tế năm 2021 gấp 5,76 lần so với năm 2004; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tỉnh giai đoạn 2005 - 2020 là 7,46%, cao hơn mức bình quân của cả nước, riêng giai đoạn 2011 - 2020 Bình Thuận tăng 7,34%, trong khi cả nước tăng 6,91%, cả vùng tăng 6,98%. Đời sống nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đến năm 2020 đạt 47,4 triệu đồng/người, gấp 8,8 lần so với năm 2004. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người đứng thứ 2/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Công tác xây dựng Đảng cũng đạt kết quả toàn diện, hệ thống chính trị ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

dsc03025.jpg
Phát triển mạnh về kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dựa vào dân, lấy lợi ích của dân làm gốc

Nói về kinh nghiệm qua 18 năm (2004 – 2022) thực hiện Nghị quyết 39, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải nắm vững và vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước. Nắm, phân tích chính xác tình hình, có quyết sách đúng để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phải phù hợp với thực tiễn; kiên quyết, kiên trì trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra. Quá trình triển khai cần bảo đảm tính toàn diện; dồn sức vào những nhiệm vụ trọng tâm, mấu chốt có tính đột phá; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, phải dựa vào dân, lấy lợi ích của dân làm gốc, quan tâm và giải quyết “thấu tình, đạt lý” những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Thuận về vị trí địa chính trị, địa kinh tế, kết nối 3 vùng: Duyên hải Trung bộ, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình phát triển, cần coi trọng yếu tố vùng, tăng cường liên kết, hợp tác để phát huy lợi thế. Chủ động đón đầu, khai thác những thuận lợi về giao thông, nhất là khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía đông) - đoạn qua địa bàn tỉnh, Cảng Hàng không Phan Thiết, quốc lộ 28B mở rộng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng để tăng cường liên kết với các vùng; tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị trong liên kết vùng, mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Trong đó, phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp năng lượng, trở thành trụ cột có tính dẫn dắt; phát triển du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng cao dựa trên nền tảng phát huy thế mạnh biển, đảo, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa địa phương; phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ, nông nghiệp hữu cơ và các lợi thế về cây trồng, vật nuôi, khai thác hải sản. Tranh thủ sự hỗ trợ Trung ương ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển toàn diện huyện đảo Phú Quý, vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển, vừa là căn cứ chi viện hậu cần, kỹ thuật cho khu vực quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ…

Tin rằng, với những thành quả đạt được, kinh nghiệm rút ra cùng quyết tâm cao, sự nỗ lực, đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ, Bình Thuận sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra. Đó là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch.

LÊ PHÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển biến toàn diện từ nghị quyết của Đảng. Bài 2