Theo dõi trên

Chuyện rút dây sợ động gì?

16/09/2022, 06:01

Anh bạn từ Phan Rang gửi cho tôi 2 thành ngữ “Tai vách mạch rừng” và “Rút dây động rừng”, nói có ý kiến cho rằng lâu nay nhiều người đã viết sai chính tả. Viết đúng thì chữ “rừng” phải viết là “dừng”. Sau đó anh chuyển cho tôi một số tư liệu người ta bình luận về 2 thành ngữ ấy.

Nếu xét về nội dung thì không phải sai chính tả mà sai về dùng từ. Tư liệu của anh gửi giải nghĩa chữ “dừng” trong “rút dây động dừng” – “dừng” mới đúng, chứ không phải “rừng” – “dừng” là tấm mành bằng tre dùng để chắn giữa phòng khách và buồng ngủ, hoặc che nắng ở hiên nhà, có thể rút lên và buộc lại bằng dây, như thế khi rút dây thì sẽ động “dừng”, tức là làm chuyển động tấm mành tre.

ca-dao.png

Ý kiến như trên có lẽ dựa vào câu “tai vách mạch dừng” mà lâu nay nhiều người cũng nhầm nên thường nói “tai vách mạch rừng”. Về thành ngữ này người ta đã tranh luận trao đổi với nhau nhiều rồi, đáng chú ý là ý kiến của An Chi khi đặt vấn đề “Lắt léo chữ nghĩa: Tai vách mạch gì?”, nêu vấn đề và lý luận khá dài, cho rằng nói “tai vách mạch rừng do câu thành ngữ Rừng có mạch, vách có tai(1). Nghĩa là kín như rừng cũng có lối đi nhỏ (mạch) người ta có thể biết được, kín như vách, người ta cũng có thể nghe được”. Từ đó bình luận: “Nếu lời giảng trên đây mà đúng thì có lẽ ta phải hiểu rằng mỗi lần trao đổi những điều bí mật cho nhau thì người ta sẽ kéo nhau vào rừng mà nói”. Thật ra thành ngữ Rừng có mạch, vách có tai có ai hiểu và giảng như đã nêu đâu, rằng nói với nhau những điều bí mật “sẽ kéo nhau vào rừng mà nói” bao giờ! Trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của ghi: “Tai vách mạch rừng. Ấy là rừng có mạch, vách có tai, phải cẩn thận lời nói”. Chứ có ý nào trong câu cho rằng “kéo nhau vào rừng mà nói”! Cách giải thích của người viết bên trên dẫn chứng rất nhiều nguồn từ sách ta đến sách Tàu để lý giải chữ và thừa nhận chữ “dừng” trong “tai vách mạch dừng” mới đúng, chứ không phải “mạch rừng”. Tôi thấy cách giải thích khá thấu đáo khi dùng chữ “dừng” trong thành ngữ này là hợp lý hơn.

Thử tra cứu một vài từ trong thành ngữ.

Từ “dừng”: Đại Nam quốc âm tự vị (1895) ghi: Dừng là ngăn, che. Còn trong Từ điển Việt Nam của Lê Văn Đức giảng: Dừng: Cặp lá làm vách, ngăn làm hai, che khuất bằng tấm vách ngăn: Dừng lại ngăn gió; Chiều chiều con quạ lớp nhà, con cu chẻ lạt con gà dừng phên CD. Tấm vách thấp bằng lá, bằng phên: Tai vách mạch dừng .tng. (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970). Từ điển tiếng Việt ghi: dừng: quây, che bằng phên, cót, vv (Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992).

Từ “mạch”: Đại Nam quốc âm tự vị ghi: Mạch: đường khai trong ruộng, từ nam qua bắc kêu là thiên, từ đông qua tây kêu là mạch. Tự điển Việt Nam – Lê Văn Đức và Từ điển tiếng Việt giảng “mạch” gần giống nhau: Đường ống dẫn máu ở động vật hay dẫn nhựa ở thực vật – mạch máu, mạch gỗ. 3 Đường nước chảy ngầm dưới đất – mạch nước. vtudien.com giải nghĩa chữ “mạch dừng”: nd. “Đường khe trong vách, chạy theo các thanh ken ngang dọc làm cột cho vách. Tai vách mạch dừng (tng)”(2). Nghĩa là, xưa kia, nhiều người làm nhà, không có khả năng xây tường bằng đá, bằng gạch, người ta thường lấy tre – nứa, chẻ ra và đan kết thành tấm, dựng lên làm sườn cốt rồi lấy đất sét (bùn) ngào với rơm để đắp trét lên làm phên. Những thanh tre làm cốt phên đó gọi là mạch.

Hiểu như thế, nên Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam(3) ghi: Tai vách mạch dừng (Dừng có mạch, vách có tai; Nhà có ngách, vách có tai) dừng: nan tre hay nứa làm cốt để trát vách). Chuyện gì nói riêng với nhau cũng có thể lọt đến tai người khác, không cẩn thận thì dễ lộ bí mật.

Ở đây tai vách mạch dừng

Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

(Truyện Kiều)

Dừng là từ Việt cổ, nay ít ai dùng, nên nhầm với rừng trong câu thành ngữ ấy.

Còn về thành ngữ Rút dây động rừng, nghĩ rằng, có lẽ chuẩn hơn nói Rút dây động dừng. Bởi việc cắt dây, rồi rút dây trong rừng trong rú là thao tác quen thuộc đối với người lao động nông thôn xưa nay hơn là thao tác treo mành, rút mành che nắng trước hiên nhà. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam cũng ghi: Rút dây sợ động rừng (Nể rừng chẳng dám động dây). Muốn làm việc gì nhưng còn e sợ như vậy sẽ đụng chạm, ảnh hưởng đến nhiều việc, nhiều người có liên quan.

“Những là e ấp, dùng dằng

Rút dây, sợ nữa động rừng, lại thôi”

(Truyện Kiều)

Rút dây sợ động rừng cũng như Rút dây động rừng, có cặp thành ngữ thường đi đôi với nhau: Đánh trống động chuông - Rút dây động rừng.

(1): Đại Nam quốc âm tự vị, Huình-Tịnh Paulus Của – Sài Gòn, 1895; (2): vtudien.com › viet-viet › nghia-cua-tu-mạch dừng; (3): Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mở rộng xưởng thực hành, nâng chất lượng dạy nghề
Nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 5/1/2000 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Trường Trung cấp Nghề Bình Thuận. Đến tháng 3/2012, được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Bình Thuận.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện rút dây sợ động gì?