Trong những thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của công tác xây dựng Đảng với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong quá trình triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phát huy những thành quả đạt được, công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng đồng thời chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên phải được nâng lên.
Nhiều nỗ lực
Trong thời gian qua, nội dung, phương thức lãnh đạo đã được các cấp ủy cơ sở tập trung đổi mới nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác, đồng thời tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp ở cơ sở; đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hầu hết cấp ủy viên các cấp được phân công theo dõi, phụ trách các tổ chức Đảng trực thuộc, trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ; nhiều nơi phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ gia đình, góp phần nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở...
Cùng với đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, các cấp ủy cơ sở còn bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc; thực hiện tốt chế độ sinh hoạt định kỳ, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên; nhiều cấp ủy đã ban hành hướng dẫn nội dung sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ, ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhiều chi bộ đã đưa việc tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt hằng tháng; tăng cường sinh hoạt chuyên đề, từng bước khắc phục tình trạng đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt đảng...
Những vấn đề cần quan tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế vẫn còn tồn tại những vấn đề cần quan tâm, đó là: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn thấp, nhất là khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn lúng túng, hạn chế, tỷ lệ tổ chức đảng, tỷ lệ đảng viên rất thấp so với tổng số lao động trong doanh nghiệp tư nhân. Công tác phát triển Đảng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo còn nhiều khó khăn. Sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, sinh hoạt chuyên đề chưa được coi trọng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Kết nạp đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa coi trọng chất lượng, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa được quan tâm đúng mức; việc rà soát, sàng lọc đảng viên chưa thường xuyên. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút, còn xảy ra tình trạng vi phạm bị xử lý kỷ luật…
Nhiệm vụ, giải pháp
Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng ta phải nâng tầm lãnh đạo lên cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa, đồng thời để thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; Tỉnh ủy Bình Thuận đã đề ra nhiều giải pháp, theo đó yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng Đảng là phải đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo từ cấp ủy, bí thư cấp ủy ở cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng. Yêu cầu cấp ủy cấp trên trực tiếp phải nắm tình hình và phân công cấp ủy viên phụ trách, dự sinh hoạt với tổ chức Đảng ở cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở Đảng. Lấy hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên trực tiếp và cấp ủy viên được phân công phụ trách. Khắc phục tình trạng hình thức trong đánh giá, xếp loại hàng năm. Sau kiểm điểm, đánh giá, các tổ chức cơ sở Đảng phải xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp. Trên cơ sở đó, cấp ủy cấp trên kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nhất là đối với các tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với sinh hoạt chi bộ, phải thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ. Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng tấm gương đảng viên tiêu biểu; đồng thời phê bình, xử lý tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với những nội dung mới, cần thiết cho tổ chức cơ sở Đảng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chi bộ. Tăng cường sinh hoạt chuyên đề, chú trọng những vấn đề mới, cần quan tâm. Có giải pháp sinh hoạt Đảng phù hợp đối với tổ chức Đảng ở địa bàn có nhiều đảng viên từ nơi khác đến tạm trú, ở khu công nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tư nhân…
Để nâng cao chất lượng đảng viên, phải đánh giá đúng thực trạng, xây dựng kế hoạch phát triển số lượng đảng viên với mức tăng hợp lý, trên cơ sở coi trọng tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, lối sống, động cơ của người xin vào Đảng phù hợp với thực tế của từng địa phương, ngành, lĩnh vực. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, trong lực lượng vũ trang, tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, giới thiệu đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú. Thường xuyên rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Với sự nhìn nhận thẳng thắn vào thực trạng từ kết quả cho đến những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là đề ra các giải pháp phù hợp, cùng với sự quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, đồng thời nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, Bình Thuận sẽ thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Qua đó công tác xây dựng Đảng sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để các cấp, ngành, địa phương tiếp tục gặt hái những thành quả trong thời gian tới.