Sau khi được nghe báo cáo nội dung, chương trình của kỳ họp, với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cử tri đã nêu ý kiến về thông tin môn lịch sử sẽ là môn tự chọn ở cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu áp dụng từ năm học 2022-2023 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Cử tri không đồng tình và cho rằng đây là điều không phù hợp với điều kiện thực tế tại nước ta mà nên đưa môn lịch sử làm môn học bắt buộc. Cử tri lí giải, nếu học sinh ít học về lịch sử thì sẽ không hiểu hết lịch sử Việt Nam. Trong khi đó để bảo vệ nền độc lập dân tộc thì học sinh phải am hiểu lịch sử nước nhà.
Xung quanh vấn đề về giá thanh long thấp, đầu ra không ổn định, cử tri kiến nghị cần có giải pháp để phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long. Cử tri cũng kiến nghị một số vấn đề xung quanh chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng. Hệ thống điện, đường mặc dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tình trạng một số người dân thiếu ý thức xả rác thải bừa bãi vẫn diễn ra thường xuyên gây mất mỹ quan đô thị. Cử tri cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình diễn biến phức tạp của các loại tệ nạn xã hội và mong muốn có nhiều giải pháp để ngăn chặn hiệu quả.
Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, việc bình chọn Gia đình văn hoá, Thôn văn hoá mang nặng tính hình thức, chất lượng chưa cao...
Những nội dung cử tri quan tâm phản ánh, kiến nghị được đại diện lãnh đạo UBND các xã và huyện Hàm Thuận Bắc giải trình thỏa đáng. Những nội dung liên quan đến các sở, ban, ngành cũng được giải đáp trực tiếp tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn An nhấn mạnh: Các ý kiến của cử tri rất tâm huyết đã phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy đã giải đáp, thông tin thêm với cử tri xung quanh các giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long; chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng; vấn đề vệ sinh môi trường từ nông thôn đến thành thị...
Đối với những ý kiến, kiến nghị liên quan đến chủ trương, chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ để phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Xung quanh ý kiến không đồng tình đưa lịch sử là môn học tự chọn ở cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với cử tri đồng thời nhấn mạnh: Trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ có hai câu thơ: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Các nước trên thế giới cũng rất quan tâm đến vấn đề dạy sử cho thế hệ trẻ, không chỉ trong trường học mà còn thông qua hệ thống Bảo tàng, Nhà Trưng bày, Nhà lưu niệm, sách, báo…
Trong kỳ họp tới đây, nếu có chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ chất vấn về vấn đề này; tại các diễn đàn Quốc hội có liên quan đến vấn đề giáo dục, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đảng cần có giải pháp lãnh đạo vấn đề giáo dục lịch sử, để lịch sử Việt Nam thấm nhuần trong mỗi con người Việt Nam.
Dịp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao 10 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo của xã Hàm Liêm và Hàm Hiệp, trị giá mỗi phần quà 1 triệu đồng.