Theo dõi trên

Da diết nỗi nhớ quê

18/11/2022, 05:53

1. Những năm gần đây, độc giả báo Bình Thuận đọc được khá nhiều tản văn của tác giả Đỗ Văn Cường trên chuyên mục văn hóa – nghệ thuật.

Quê anh ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, sau thời gian học phổ thông trong tỉnh, anh rời quê, lên học đại học ở Đà Lạt và sau đó làm việc tại chính thành phố này. Xa quê đã hơn 30 năm, lòng anh vẫn không nguôi nhớ về quê hương, xứ sở.

6j1a2493-1622654423087924749444.jpg

2. Ở hầu hết các tản văn của mình, tác giả Đỗ Văn Cường luôn bộc lộ tình cảm da diết đối với quê hương. Tình quê hương thấm đẫm trong những trang văn của anh.

Đỗ Văn Cường đã nhớ những gì về quê mình những ngày anh còn thơ ấu?

Có bao điều về quê hương để tác giả nhớ về. Có những nét riêng của quê hương, hồn quê: Đó là những rặng tre, đồi cát, đường làng, nắng, đất và người, chiều quê, ngôi chùa làng (Nhớ rặng tre làng, Nhớ mãi đồi cát quê, Nhớ ngôi chùa làng, Đường làng, Nắng quê nhà, Đất và người quê, Nhớ lắm chiều quê). Đó còn là những công việc đồng áng (Đông về nhớ mùa đậu xanh, Nhớ mùa đậu phộng, Tháng 7- nhớ mùa hạt dưa, Nhớ mùa phát rẫy). Đó còn là nỗi nhớ về gia đình, về những món ăn (Chái bếp miền quê, Nhớ lắm thềm nhà, Ký ức mùa hè, Cái lạnh tuổi thơ, Đậu bắp quê nhà, Canh khế cua đồng). Đó còn là nỗi nhớ về bạn bè, thầy cô (Bạn quê, Ký ức đẹp, Thời tiểu học khó phai…). Và cả những tiếng chim ở quê ngày xưa ấy (Tiếng bìm bịp kêu). Cùng bao nỗi nhớ khác, miên man trong tâm tưởng của anh, để rồi được tác giả trải lòng trên những trang viết của mình, gởi đến độc giả.

Với Đỗ Văn Cường, chỉ với một miền quê (Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) mà trong anh đã chan chứa biết bao tình. Tình cảm ấy sâu bền lắm để anh có thể viết về miền quê ấy với rất nhiều điều, nhiều khía cạnh, nhiều sự việc, nhiều hoạt động, nhiều kỷ niệm đến vậy. Từ “Nhớ” đã xuất hiện trong rất nhiều tựa bài viết của anh.

Tác giả chưa bao giờ thôi nhớ về những năm tháng tuổi thơ của mình vào những năm tháng khó khăn của gia đình thời bao cấp. Cha mẹ anh làm nông, vất vả mưu sinh, vẫn chăm lo cho việc học hành của các con. Anh em anh, ngoài giờ học, đã biết phụ giúp cha mẹ những công việc ruộng đồng, nương rẫy. Thời kỳ khó khăn ấy, tác giả vẫn cố gắng học hành, để mong sau này vượt lên thoát cảnh đói nghèo.

Những tản văn của anh là sự nối tiếp những câu chuyện về quê nhà. Có sự khơi gợi từ thời tiết, từ không gian, thời gian… để tác giả nhớ về chuyện ngày trước ở quê anh, cùng những suy tư trăn trở. Anh lại trở về với ngày nay, mang những mong ước về tương lai tươi sáng của quê hương.

Thực sự gắn bó với những công việc đồng áng của quê nhà những ngày còn thơ ấu để tác giả có những dòng văn: “… Với người dân xóm “ruộng làng” nói chung, với tôi nói riêng, cát đã thành bạn bè, thành máu thịt. Cát gắn bó, thủy chung với người từ thuở lọt lòng… Củ khoai lang đã bao đời nay gắn liền với người dân Hàm Mỹ, đặc biệt là xóm “ruộng làng” vùng đất cát, hầu như gia đình nào cũng trồng” (Nhớ mãi đồi cát quê).

Tác giả đã giúp người đọc phần nào trải nghiệm về việc cày ải. “Phân chuồng chuẩn bị sẵn cho vụ màu được để thành từng đống nhỏ khắp mặt ruộng. Khi đất khô ải, ta cho nước đi đến đâu thì đất sẽ bủn ra đến đấy. Chỉ vài đường bừa là đất nhuyễn cùng phân chuồng dễ dàng bắt nước vào. Những luống đất được đánh tơi xốp thành từng hàng thẳng tắp, một vụ dưa leo, bí đỏ hoặc đậu phộng sẽ giúp cho người dân thu hoạch sau Tết Nguyên đán” (Nhớ tháng mười tuổi thơ).

Hồn quê trong lòng của người con xa xứ luôn là những gì gần gũi, thân thương. Những ngày ít ỏi về thăm nhà, anh cảm nhận những mùi thân thuộc của miền quê căng đầy trong lồng ngực: “Tôi hít thật sâu khí trời đang chuyển mùa trên quê hương để nhớ về những cảm giác mùi nắng, mùi khói rạ đốt đồng xen lẫn với bùn non tinh nguyên hòa quyện làm cho bước chân tôi cứ vấn vương một thuở thiếu thời nhiều kỷ niệm” (Nhớ lắm hồn quê).

Ngôi nhà thường để lại bao nhớ nhung, kỷ niệm đối với mỗi một người. Riêng đối với Đỗ Văn Cường, anh lại nhớ về thềm nhà với những ký ức thân thương: “Với tôi, ký ức về bậc thềm là cả một trời thương nhớ… Những bậc thềm khắc ghi dấu chân của anh em chúng tôi từ khi mới vừa chập chững biết đi. Bậc thềm cũng là nơi, chiều chiều cả nhà quây quần bên mâm cơm sau một ngày lao động vất vả… Bậc thềm trước nhà cũng là nơi để ngồi hóng mát những lúc trưa hè” (Nhớ lắm thềm nhà).

Đã có một tình thương yêu mẹ rất sâu nặng trong lòng tác giả. Chính từ tình thương, lòng kính yêu mẹ rất lớn lao trong anh, để anh quý trọng những thành quả lao động của mẹ, để anh cảm thấy độ ngọt ngào từ trái đậu bắp mẹ trồng: “Đã rất nhiều lần tôi thử hỏi vì sao đậu bắp mẹ trồng lại ngon hơn những thứ đậu bắp tôi thường mua nơi phố thị. Có lẽ, những cây đậu bắp từ đồng đất làng quê yêu dấu, được chăm sóc bằng đôi bàn tay nhăn nheo và cả tấm lòng yêu thương nhớ con da diết của mẹ, nên nó ngon” (Đậu bắp quê nhà).

3. Giọng điệu trong những tản văn của tác giả là giọng chuyện trò. Anh như thủ thỉ trò chuyện với bạn đọc những câu chuyện khác nhau của cuộc đời anh, những ngày xa lắm, lúc còn ở quê, với những công việc quen thuộc; cùng những công việc của những người dân quê anh một nắng hai sương bên ruộng đồng, nương rẫy. Anh sử dụng những ngôn từ giản dị, gần với những lời tâm sự. Bên cạnh đó, tự trong những tản văn, tác giả cũng đã đưa vào thủ pháp nghệ thuật tương phản. Đã có những liên hệ: ngày trước – bây giờ trong khá nhiều những tản văn của anh (Tháng sáu tuổi thơ, Đường làng, Cái lạnh tuổi thơ, Ký ức tháng bảy, Thương nhớ ngày xưa, Nhớ lắm hồn quê, Trang sách quê…).

Có không ít những đoạn văn giàu chất thơ trong những tản văn của anh: “Chái bếp chẳng biết tự bao giờ đã đi vào ký ức của đám trẻ nhà quê chúng tôi; giản dị và đơn sơ, nhưng hễ nhắc đến là hiện về cả một bầu trời nhung nhớ, khiến lòng bâng khuâng, xao xuyến nhớ về khoảng thời gian ấu thơ nơi mình đã sinh ra và gắn bó với người thân, với quê hương xóm làng” (Chái bếp miền quê). Là một người yêu sách vở từ nhỏ, nhiều trang sách anh đọc đã để lại những dấu ấn khó phai trong anh. Bây giờ, những ngày về lại thăm nhà, thăm quê, anh chợt nhận ra: “Không còn dấu vết thân thuộc, nơi tôi chăn bò, kiếm củi và đọc sách năm xưa. Cũng như chẳng thể tìm lại và mang đi một chút nắng mùa hè rực rỡ vàng và hắt hiu, thuở ấy… Chỉ còn những hoài niệm là vẫn theo tôi đi đến hôm nay” (Trang sách quê).

Là một người gắn bó nhiều năm với quê nhà, việc thuộc lòng và nhái được nhiều thứ tiếng chim kêu khác nhau với anh là điều không hề khó. Anh đã viết những dòng mượt mà về tiếng chim bìm bịp kêu: “Trong muôn ngàn tiếng chim với nhiều cung bậc khác nhau, có lẽ tiếng chim bìm bịp kêu những khi nước lên làm xúc động lòng người… Bài học về tiếng chim kêu, sự tích con chim bìm bịp với hẩm hiu để hoài vọng một bóng hình trong cõi nhớ” (Tiếng bìm bịp kêu).

4. Đọc những tản văn của Đỗ Văn Cường, bạn đọc dễ nhận ra: Tình yêu quê hương của tác giả sâu nặng biết nhường nào! Lòng anh ngập tràn nỗi nhớ da diết với quê nhà. Bạn đọc sẽ dễ nhớ về anh, một tác giả mãi hoài niệm về quê hương của mình với bao thương yêu, quý trọng.

MINH TRÍ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công bố 12 thí sinh vào chung kết
Sau đêm thi ở vòng chung kết 1, Ban tổ chức đã chính thức công bố 12 thí sinh xuất sắc nhất vào vòng chung kết xếp hạng sẽ diễn ra vào ngày 20/11sắp tới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Da diết nỗi nhớ quê