Theo dõi trên

Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân

08/08/2023, 05:33

Như chúng ta đã biết, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương, sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung bộ. Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng sạt lở đất do mưa lớn xảy ra ở miền Bắc, Trung bộ và Tây nguyên đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và các công trình cơ sở hạ tầng.

Thiệt hại do mưa lũ

Từ đầu năm 2023 đến nay tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra 122 vụ sạt lở ảnh hưởng đến dân cư, công trình đê điều, giao thông, rừng ngập mặn. Gần đây nhất là vụ sạt lở đất ở tỉnh Bắc Kạn làm 1 người tử vong và tỉnh Lâm Đồng làm 3 cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng và 1 người dân tử vong. Ngoài ra, còn làm thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân. Mới đầu mùa mưa lũ nhưng tỉnh Bình Thuận cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, cụ thể là ngày 30/7/2023, đã xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy dương, cây cối ngã đổ, lở đất đá, cây cối tràn lấp rãnh, lấp lề, mặt đường, xói lở mái taluy trên tuyến QL 55, thuộc địa bàn huyện Hàm Tân đã gây ách tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn kết cấu công trình đường bộ. Theo đó có khoảng 43 vị trí bị sạt lở taluy dương với khối lượng khoảng 9.300m3, trong đó có 7 vị trí sạt lở nặng, bậc dẫn nước bằng đá hộc xây vữa của cầu Đa Tro bị xói sụp, hư hỏng. Cũng vào cuối tháng 7/2023, do mưa lớn từ nhiều ngày trên khu vực thượng nguồn các sông trên địa bàn tỉnh đã làm mực nước thượng nguồn dâng lên rất nhanh. Mưa lũ còn gây nhiều thiệt hại về cây cối, nhà cửa, hoa màu của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh còn có một ngư dân bị sóng đánh mất tích. Mưa lớn và lũ quét lốc xoáy còn gây thiệt hại nặng về cây trồng, đường giao thông, tài sản người dân. Ở huyện Tánh Linh sau nhiều ngày mưa lũ trong tháng 7/2023, gây ngập cục bộ khoảng 20 hộ dân, ở khu vực dân cư thôn 1, 2 và thôn 3 xã Suối Kiết, nước ngập hơn 1m nên một số hộ dân phải di dời. Mưa lớn cũng gây sụp đổ khoảng 160m tường rào các loại của 3 hộ dân ở thôn 1, xã Gia Huynh. Tại xã La Ngâu, lũ quét đã cuốn trôi, gây hư hại 14 ha bắp, lúa, điều với mức độ thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, khoảng 40 ha lúa giai đoạn 75 ngày tuổi ở xã Huy Khiêm bị ngập sâu và hơn 20 cây điều khoảng 4 năm tuổi của một hộ dân bị ngã. Mưa lớn cũng đã cuốn trôi, vỡ và thất thu 15 lồng bè nuôi cá của các hộ dân dọc sông La Ngà, xã Đồng Kho làm tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 4 tỷ đồng.

dsc_3824.jpg

Chủ động phòng, chống thiên tai

Để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa, bão, lũ năm 2023, UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, kho tàng, doanh trại các khu vực sườn đồi dốc, ven sông, suối để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ mạnh. Kiên quyết tổ chức di dời, sơ tán dân khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lập phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối để hạn chế xảy ra sạt lở. Phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra công tác an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng nhà ở khu dân cư ven sông, suối, ven biển, sườn đồi dốc. Đình chỉ vệc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ sạt lở, lấn chiếm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ. Về lâu dài, phải rà soát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, ven biển để khắc phục tình trạng lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở. Chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở cao. Rà soát, cập nhật kịch bản ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh đổ bộ trực tiếp gây mưa, lũ lớn, sạt lở, có kế hoạch sơ tán dân cụ thể theo từng kịch bản…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở, tổng hợp tình hình sạt lở ở các địa phương báo cáo UBND tỉnh, tham mưu xử lý kịp thời các tình huống, sự cố xảy ra. Đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận, các cơ quan thông tin đại chúng khác ở địa phương để tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, sạt lở, hướng dẫn địa phương và người dân kỹ năng ứng phó khi sạt lở xảy ra. Đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, chăm sóc, cải tạo rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng chắn sóng, ngập mặn để phòng, chống sạt lở. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, tổ chức hiệp đồng với các lực lượng của Trung ương, Quân khu 7 và phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu….

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vụ sạt lở ở mỏ titan Suối Nhum: Chưa đủ căn cứ xác định có dấu hiệu của tội phạm hay không
BTO-Đến nay, việc trưng cầu giám định các nội dung liên quan không giám định được nên chưa đủ căn cứ xác định vụ sạt lở có dấu hiệu của tội phạm hay không. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam tạm đình chỉ xác minh tin báo, đồng thời tiếp tục xin ý kiến các cơ quan liên quan để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Mặt khác, gia đình các nạn nhân không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm của Công ty.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân