Tự cân đối cung, cầu
Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, hạn hán hàng năm thường xảy ra gây hậu quả vô cùng lớn đến sản xuất và các mặt đời sống xã hội của tỉnh. Tổng nguồn nước mặt của tỉnh khoảng 4,95 tỷ m3, trong đó sông, suối nội tỉnh là 2,30 tỷ m3 và sông La Ngà khoảng 2,65 tỷ m3. Đối với sông La Ngà chỉ chiếm khoảng 70% trong số này vì sông La Ngà nằm trên địa bàn 3 tỉnh là Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Thuận. Sự biến động của nguồn nước hàng năm trên địa bàn tỉnh không lớn, song cũng được phân thành 2 phần rõ rệt đó là: Nguồn nước ven biển vẫn có sự biến động cao trong khi nguồn nước sông La Ngà ổn định hơn. Nếu có thể sử dụng khoảng 70% lượng nước tự nhiên trên đây thì với năm trung bình tổng nước dòng chảy của tỉnh là 3,47 tỷ m3, tần suất 75% là 2,68 tỷ m3, năm 90% là 2,27 tỷ m3 và năm 95% là 2,10 tỷ m3. Nhưng tổng nhu cầu nước hiện nay cho tất cả các đối tượng bao gồm nước tưới, cấp nước dân sinh, các khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường… đến năm 2020 là 1,57 tỷ m3, đến năm 2030 khoảng 1,95 tỷ m3. Như vậy, về cơ bản nguồn nước trong tỉnh có thể tự cân đối cung, cầu cho hầu hết các tình huống.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hiện vẫn nỗ lực xây dựng nhiều công trình thủy lợi, cấp nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song qua các năm hạn hán trước đây cho thấy còn nhiều vấn đề trong tạo nguồn và sử dụng hiệu quả nguồn nước vốn đã rất hiếm hoi của tỉnh. Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh hồ chứa nước các cấp, đồng thời nghiên cứu bổ sung nguồn nước từ các lưu vực lân cận, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước… là các giải pháp để cấp nước đầy đủ và ổn định trong mọi tình huống trong biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động trong phòng chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, hàng năm ngành nông nghiệp của tỉnh còn bố trí lịch thời vụ gieo sạ tập trung, cụ thể đến từng vùng, từng cánh đồng để thuận lợi trong việc cấp nước tưới, xây dựng kế hoạch sản xuất từng mùa vụ cho phù hợp với khả năng nguồn nước. Đồng thời, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, trữ lượng nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, nhận định tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán để thông tin đến các địa phương và người dân chủ động ứng phó. Bên cạnh đó vận động nhân dân tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước như: bồn trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình. Huy động các lực lượng tại địa phương để tổ chức tu sửa, nạo vét, phát dọn các tuyến kênh mương nội đồng đảm bảo dẫn nước tưới đến mặt ruộng.
Ứng phó kịp thời để không thiếu nước
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021 - 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh đã chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn để xây dựng các kịch bản ứng phó, triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước cho mùa khô trước tác động của hạn hán, thiếu nước. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước. Khoanh vùng các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn hán để xây dựng, thực hiện giải pháp ứng phó phù hợp. Ưu tiên nguồn nước để cấp nước phục vụ sinh hoạt, đời sống của người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng. Tăng cường thực hiện việc nạo vét kênh, mương, đào ao, giếng để trữ nước ngọt.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước. Quan trắc, theo dõi, giám sát kịp thời tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Sử dụng các trang thiết bị để cấp và trữ nước trong các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện có. Từ đó tính toán cân bằng nước, xây dựng lịch cấp nước cụ thể đến từng hệ thống công trình, thông báo cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sử dụng nước biết để xây dựng và đăng ký nhu cầu sử dụng, bảo đảm phục vụ sinh hoạt, sản xuất và các nhu cầu thiết yếu khác của nhân dân. Bên cạnh đó tiến hành kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.