Theo dõi trên

Đánh giá đúng thực chất để sử dụng đúng cán bộ

05/12/2023, 04:10

Trong quá trình quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) thì khâu đánh giá cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần thiết. Đánh giá là tiền đề, là cơ sở cho việc thực hiện các khâu: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, và để thực hiện các chính sách khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ.

Đồng thời, qua đánh giá sẽ giúp cán bộ nhận thấy được phẩm chất, năng lực làm việc của mình ở mức độ nào để phát huy, hoặc khắc phục sửa chữa nhằm không ngừng rèn luyện, trưởng thành tốt hơn.

Ở bất cứ cơ quan, đơn vị nào, có đánh giá đúng thì mới có thể quy hoạch và sử dụng đúng, phát huy tốt hiệu quả đội ngũ cán bộ. Tuy vậy đây cũng được coi là việc khó ở nhiều cơ quan, đơn vị. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã chỉ rõ “đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.

an-can-bo.jpg

Thực tế công tác đánh giá cán bộ ở nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay còn thiếu tính khoa học, làm chung chung, thể hiện ở mức định tính, cảm tính, thiếu những tiêu chí mang tính định lượng, cụ thể. Trong khâu tổ chức đánh giá, tính tự phê và phê bình góp ý chưa cao, còn bị chi phối bởi sự e dè, nể nang, né tránh, sợ đụng chạm. Chính vì vậy, ông Võ Văn Thưởng (lúc còn giữ chức Thường trực Ban Bí thư) đã nói: “Trước khi phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Còn ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh có nhận xét: “Hiện nay chúng ta có 3 loại cán bộ: Loại thứ nhất, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh và chịu trách nhiệm; loại thứ hai, ai sao tôi vậy, tới đâu hay tới đó; loại thứ ba, bộ phận tiêu cực, toàn nghĩ đến lợi ích bản thân”. Cùng với 3 loại này, còn có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy… Có thể nói thực trạng này không riêng ở địa phương hoặc ngành nào. Ở Bình Thuận, thời gian gần đây, tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết 08-NQ/TU (khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chỉ ra tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy của một bộ phận công chức các sở, ban, ngành ở địa phương, do đó cứ lòng vòng trong việc cho ý kiến các dự án, các chủ trương thu hút đầu tư. Do đó công tác đánh giá cán bộ trong thời gian tới ở các cơ quan, đơn vị phải đi vào thực chất để nhận rõ, phân loại đúng các nhóm đối tượng cán bộ.

Để nâng cao hiệu quả, đánh giá đúng thực chất công tác cán bộ thì việc cần làm hiện nay là căn cứ quy định của Trung ương, của cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị mình. Các tiêu chí phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, được xây dựng một cách khoa học với phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; phân loại giữa cán bộ không có chức vụ và cán bộ có chức vụ lãnh đạo, quản lý, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Các tiêu chí đánh giá phải lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân, quy định cụ thể những điểm cộng ở một số tiêu chí, như: Mức độ hoàn thành nhiệm vụ, số lần hoàn thành trước thời hạn; số việc khó, việc đột xuất đã giải quyết trong năm; số lần được biểu dương, khen thưởng. Và điểm trừ cho số lần và mức độ sai phạm, khuyết điểm, bị phê bình, nhắc nhở, khi triển khai thực hiện càng chính xác, sát thực. Hiện nay một số địa phương, ngành, lĩnh vực đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cán bộ nên việc đánh giá được sát thực hơn so với trước đây. Chẳng hạn, tại bộ phận “một cửa” có lắp đặt camera giám sát và thiết bị đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính, hay cán bộ có thái độ thiếu chuẩn mực, phục vụ chưa tốt đều được camera giám sát ghi lại, làm căn cứ để đối chiếu khi đánh giá.

Để đi vào thực chất, cần xác định điều cốt lõi là lấy bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc làm gốc; lấy kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu. Phát huy cao trách nhiệm từng cá nhân, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu trong thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Phải trên quan điểm công khai, dân chủ, công tâm, toàn diện, tránh hẹp hòi, phiến diện, nể nang; cần dựa vào nhiều kênh thông tin của cấp trên, cấp dưới, của quần chúng nhân dân để đảm bảo chính xác, hiệu quả cao trong công tác đánh giá cán bộ.

DUY HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khoá XIV): 
Tổng kết công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
BTO-Xây dựng Đảng phải tập trung nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, Đảng viên. Công tác dân vận phải xác định cốt lõi “dân là gốc”…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh giá đúng thực chất để sử dụng đúng cán bộ