Tại Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 4, nhân lực được chỉ ra là điểm yếu của du lịch Việt Nam.
Do tác động của dịch Covid-19 thời gian qua làm nhân lực du lịch “thất thoát” rất nhiều, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì khoảng chừng 1/3 lao động chuyển sang lĩnh vực khác. Còn theo Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, qua thống kê từ 75 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội hiện có hơn 60% cơ sở lưu trú thiếu hụt nhân lực lao động, nhân sự đa số rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác. Từ câu chuyện nhân lực cung cấp cho quốc tế và khó khăn hiện nay thì vấn đề đào tạo, đào tạo tay nghề du lịch trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đào tạo kiến thức, kỹ năng sinh viên sát thực tế.
Là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp du lịch Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận đã linh hoạt có sự điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và giai đoạn phục hồi phát triển của ngành. Trong đó, luôn chú trọng việc liên kết với doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát với thực tế học học hỏi kiến thức, kỹ năng. Trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhà trường đã liên hệ nhiều doanh nghiệp, chia sinh viên thành nhóm nhỏ và tổ chức thực tập thành nhiều đợt thay vì một đợt như các năm trước, thời gian cũng kéo dài hơn. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, bà Huỳnh Thị Hà – Trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận cho rằng: “Khi xây dựng chương trình đào tạo, bài giảng của giảng viên dành cho sinh viên phải sát với thực tế để phù hợp với thị trường lao động. Cùng với đó, là tăng giờ dạy thực hành, rèn luyện tay nghề cho sinh viên và việc đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp... Trong bối cảnh du lịch hồi phục trở lại, định hướng nhà trường tiếp tục đẩy mạnh ký kết, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp về đào tạo, tuyển dụng. Đồng thời, định hướng nghề nghiệp sinh viên rõ ràng, yêu nghề tạo động lực học tập tốt. Giảng viên không ngừng học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng, thâm nhập tham gia thực tế nâng cao chất lượng giảng dạy”.
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch đã đến lúc cần nhìn nhận lại và đổi mới nâng chất lượng đáp ứng phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, nâng chất lượng phục vụ trực tiếp cho du khách sau đại dịch Covid - 19. Để làm được điều này thì vai trò của 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà sử dụng lao động (doanh nghiệp) trong đào tạo kiến thức, kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực du lịch rất quan trọng. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực bài bản, tiềm năng, sẵn sàng phục vụ ngành trong tương lai. Đây là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là ngành du lịch của cả quốc gia.