100% trường học đã kiên cố hóa
Những phòng học tạm bợ, dột nát giờ đây gần như không còn ở Bình Thuận. Thay vào đó, cơ sở vật chất khang trang, trường lớp được đầu tư với đầy đủ các phòng học, phòng thực hành, phòng chức năng, khu hiệu bộ. Trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập cũng được mua sắm đồng bộ từ nguồn vốn ngân sách và sự huy động xã hội hóa. Đó là sự thay đổi rõ nét về cơ sở vật chất trường, lớp học sau 30 năm tái lập tỉnh.
Nói về những đổi thay này, ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Công tác giáo dục và đào tạo những năm qua được tỉnh quan tâm đầu tư và phát triển cơ bản toàn diện. Từ một tỉnh còn hơn 50% số trường học là tranh tre hoặc nhà tạm bợ thì đến nay 100% trường học của tỉnh đã được kiên cố hóa và phân bố đều khắp các địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, đáp ứng nhu cầu học tập của con em, nhân dân trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 585 cơ sở giáo dục và đào tạo. Đối với bậc học mầm non, trước khi tái lập tỉnh chỉ có 92 trường mẫu giáo (còn 22/111 xã chưa có trường mẫu giáo, có 4 xã chưa có lớp mẫu giáo) thì đến nay toàn tỉnh có 181 trường mầm non đáp ứng 100% số xã, phường, thị trấn có cơ sở giáo dục mầm non. Với bậc tiểu học từ ngày tái lập tỉnh toàn tỉnh chỉ có 97 trường tiểu học thì nay đã phát triển được 246 trường tiểu học đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn có trường tiểu học, các điểm trường lẻ mở rộng đến tận thôn, bản. Còn bậc THCS toàn tỉnh đến nay có 130 trường (có 113 trường THCS và 17 trường TH&THCS) và 28 trường THPT. Trường chuyên biệt có 6 trường gồm: 4 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, 1 Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, 1 Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo. Cùng với đó, hệ thống giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng được tỉnh quan tâm mở rộng, tạo cơ hội và điều kiện, thu hút sự tham gia học tập của các tầng lớp xã hội. Hiện toàn tỉnh có 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện (trong đó có 4 trung tâm giáo dục thường xuyên) và 124/124 xã có trung tâm học tập cộng đồng.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia
Trong 30 năm qua, mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng ngân sách tỉnh đầu tư cho giáo dục luôn được quan tâm và chú trọng thực hiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học tiếp tục được tăng cường đầu tư xây mới, sửa chữa trường lớp khang trang, rộng rãi, sạch đẹp và đủ theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Đặc biệt, công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thông qua thực hiện lồng ghép xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia gắn với tiêu chí nông thôn mới và xây dựng trường học thân thiện. Đến nay việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và toàn xã hội, đã tạo nên diện mạo mới cho các trường học về cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm, chất lượng giáo dục.
Phải kể đến, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo được đầu tư xây dựng tại vị trí mới, với diện tích 4,8 ha theo tiêu chuẩn quốc tế, là nơi đào tạo nhân tài cho tỉnh. Cơ sở vật chất nơi đây được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ phòng học, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện và ký túc xá có sức chứa khoảng 480 học sinh đảm bảo cho học sinh nội trú ở xa. Cùng với đó, các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học được quan tâm đầu tư. Về dạy học, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo đã xây dựng khung chương trình kết hợp giữa chương trình phân ban hiện hành với các chuyên đề chuyên sâu theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, bổ sung thêm một số kiến thức nâng cao, tiên tiến để vừa đảm bảo cho học sinh thi tốt nghiệp, đại học vừa đáp ứng yêu cầu thi học sinh giỏi. Đối với học sinh chuyên, trường chú ý tập trung đầu tư kỹ năng thực hành, tăng khả năng hoạt động thực tiễn, học những chuyên đề chuyên sâu mà nhà trường đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Với nhiều thành tích đã đạt được trong công tác giảng dạy, năm 2014 Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia và giữ vững danh hiệu cho đến nay. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có 269/538 trường ở các cấp học đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 50%. Tuy nhiên, để đạt và giữ chuẩn trường học đạt chuẩn quốc gia hiện nay theo yêu cầu đặt ra là một thách thức. Do vậy, thời gian tới ngành giáo dục tỉnh sẽ tập trung thực hiện các tiêu chí về xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó cơ sở vật chất sẽ được chú trọng đầu tư. Dự kiến, trong giai đoạn 2020 - 2025 vốn đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh khoảng 752 tỷ đồng.
Có thể thấy, mạng lưới trường, lớp học, quy mô giáo dục từ cấp mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đã phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân trong tỉnh. Kết quả này đã góp phần làm cho bức tranh giáo dục và đào tạo sau 30 năm tái lập tỉnh với nhiều gam màu tươi sáng và giúp ngành giáo dục tỉnh vững bước trong những chặng đường tiếp theo của sự nghiệp “trồng người”.