Theo dõi trên

“Đất 04” đang bị đầu cơ

05/04/2022, 06:04

5.048,55 ha đất cấp cho 4.415 hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, được ví như chiếc cần câu để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, một bộ phận người được cấp đã mang đi bán cho cả giới đầu cơ, do vậy chính quyền cần quản lý chặt chẽ hơn.

Bài 1: “Dậy sóng” một vùng

Âm ỉ buôn bán bằng giấy tay trong nhiều năm nhưng rộ lên hơn cả là từ cuối năm qua, cho đến nay "đất 04" của đồng bào vùng cao Hàm Thuận Bắc vẫn đang được bán rầm rộ.

Huyện Hàm Thuận Bắc có 5 xã vùng cao gồm Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, Đa Mi và Thuận Hòa. Trong đó có nhiều xã đang trở thành điểm nóng sốt đất, đặc biệt La Dạ, nơi có dân số 1.055 hộ/ 4.232 khẩu, chủ yếu đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông, H’rê... Tổng diện tích tự nhiên 11.212 ha bao gồm đất sản xuất nông nghiệp 2.202,84 ha. Riêng "đất 04" được Đảng và Nhà nước đã quan tâm cấp là 112,6 ha cho 107 hộ đồng bào.

dat-04-1-.jpg

Bán ồ ạt

Từ thôn 1 đến thôn 2 thuần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tôi đếm có đến hơn 10 ngôi nhà cấp 4 đang xây dựng, sửa chữa; bảng thông báo bán đất, người môi giới í ới giao dịch mua bán tại các quán nước giải khát; đâu đó "cò đất" dẫn khách đi chỉ đất bán và thuyết phục khách mua. Đó là những gì tôi thấy ở La Dạ khi đến nơi này cuối năm qua và mới đây, giữa lúc nhiều tờ báo và tivi đưa tin "cò đất" khuấy động vùng quê nhiều nơi như Hà Tĩnh, Nghệ An.

Lô Thị T, 30 tuổi ngồi trước ngôi nhà đang xây dở dang ở thôn 2 nói: “Ở đây nhiều nhà đang xây từ tiền bán đất. Không bán đất lấy tiền đâu xây”. Chị gái T là Lô Thị P, 47 tuổi cũng vừa bán đất xây nhà. P có 5 người con, 2 con trai đầu đã lấy vợ, còn lại 3 đứa đang đi học. Cuộc sống gia đình P cũng như bao gia đình nơi đây sống nhờ sản vật từ rừng vốn đã cạn kiệt và nương rẫy, chỉ đủ ăn. Vậy nên nhà cửa có xập xệ xuống cấp cũng để vậy ở. Tháng 2 vừa qua, khi một người vào nhà P hỏi có bán đất không?, P đồng ý ngay.

Cuộc mua bán giữa đôi bên nhanh gọn, P bán 5 sào "đất 04" được 80 triệu đồng. Thấy số tiền không đủ xây nhà, P bán luôn diện tích đất khai hoang liền kề. Tính cả "đất 04" và đất khai hoang ở khu vực 319 theo bản đồ địa chính xã là hơn 1 ha với giá 350 triệu đồng. “Bữa giờ thấy người ta đi kiếm đất mua lung tung, nó vào nhà mình hỏi, mình bán luôn, giấy tờ họ làm hết. Số tiền bán đất mình xây nhà và đã giao cho chủ thầu xây dựng 300 triệu đồng rồi”, P nói.

Qua lời T, P và những người đồng bào khác, P không phải là người duy nhất bán "đất 04" và đất khai phá của ông bà, cha mẹ để lại. UBND xã La Dạ đã xác định được 12 hộ bán "đất 04" với tổng diện tích 9,8 ha, trong đó 6 hộ đã mời lên xã xử lý, 6 hộ còn lại đang xác minh nguồn tin. Con số ấy thực chất mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” ở xã vùng cao nghèo khó, nhưng giàu tiềm năng làm nông nghiệp công nghệ cao này. Cuộc sống người đồng bào rồi đây sẽ ra sao nếu không còn đất sản xuất, đến bao giờ mới làm chủ được chính mình?

Người trong, ngoài tỉnh đều mua

Đất đồng bào bán, không chỉ người địa phương mua mà còn người ngoài tỉnh như ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; Đồng Nai, TP.HCM. Lý giải thông tin này, tôi trong vai người đi tìm đất mua, gặp “cò đất” được nghe nhiều chuyện về đất đai bao gồm chuyện "luồn cò". “Chị đã bị mấy vụ rồi, bây giờ có khách chị dẫn thẳng đến làm việc với chủ bán, chứ không như trước đây, mình dễ dãi nó ăn hớt tay trên của chị”, bà T, 60 tuổi ở thôn 3 vừa bán quán nước vừa môi giới đất nói về chuyện "luồn cò". Rồi giải thích khi thấy tôi tỏ vẻ không hiểu, "luồn cò", có nghĩa là khách có nhu cầu mua đất gặp "cò đất". “Cò” dẫn khách tới gặp chủ bán đất, nếu khách mua thì chủ bán đất sẽ trích phần trăm trong tổng số tiền trị giá miếng đất của khách mua đưa cho cò. Tuy nhiên, vị khách này gặp chủ đất lại kiếm cớ không mua, giới thiệu cho bạn bè, người thân của mình đứng ra mua, khi việc mua bán hoàn thành, tiền hoa hồng này lại thuộc về vị khách.

dat-04-2-.jpg
Nhiều người đồng bào bán đất xây nhà.

“Nhiều người đổ về đây mua đất, nhất là Bảo Lộc, có cả TP.HCM, Đồng Nai. Họ mua để đó, được giá thì bán kiếm lời. Bây giờ ở đây đất gì họ cũng mua, đồng bào bán đất muốn hết. Đất không sổ là do người dân không có tiền làm sổ, họ mua về họ làm...”, bà T nói thêm. Bà cũng chia sẻ, có một đứa em làm "cò đất" như bà, khi nào bà bận bán hàng thì nó dẫn khách đi thay. Cuộc trò chuyện giữa tôi và bà - kẻ mua đất và người môi giới đang cao trào, bà T cắt ngang gọi điện cho một người trong giới buôn bán đất đai bàn việc bán lô đất 140 m mặt đường bê tông, trị giá 2,6 tỷ đồng cho khách ở Bảo Lộc. “Con G, tự nhiên nó biểu với khách là đất không có giấy tờ, làm tui phải thuyết phục khách, cứ mua đi giấy tờ tôi làm, không phải lo. Chiều nay ông gặp khách đi nha, chốt giá 2,5 tỷ đồng nếu khách đòi giảm giá, để tôi làm việc với con G, đã không biết còn tài lanh”, bà T bức xúc nói với người đầu dây bên kia.

Ngoài bà T, ông Ph, một nhà thầu xây dựng, cũng cho tôi số điện thoại dặn dò, nếu có mua đất hay làm nhà thì gọi cho ông. Ông chia sẻ, từ đầu năm đến nay, ông nhận xây khoảng 10 - 20 căn nhà, mấy năm trước cả năm nhận có 7 – 8 căn. Vì năm nay người ta bán đất và xây nhà nhiều”.

Hoạt động buôn bán đất, xây nhà... ồ ạt ở đây ai cũng biết, ngay cả chính quyền địa phương. UBND xã La Dạ đã báo cáo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, đồng thời, tuyên truyền người dân không nên bán đất, đặc biệt "đất 04". Tuy nhiên, “cơn bão” lướt sóng đất quét qua đây quá mạnh nên dù có tuyên truyền cũng như muối bỏ biển, “đội quân” đầu cơ buôn bán đất lùng sục thuyết phục người đồng bào bán đất. Vì cuộc sống khó khăn, nay muốn đổi đời nên không ít người bán đất để xây nhà, mua vật dụng trong gia đình. “Trong các cuộc họp thôn, xã, chúng tôi thường lồng ghép tuyên truyền cho bà con, không nên bán "đất 04". Nếu không cần thiết thì không nên bán để đất sản xuất hoặc cho con cháu sau này”, Xim Miên - Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch đã chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên Môi trường, các ban, ngành, địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường bất động sản, nhất là tình hình mua bán, sang nhượng đất; xử lý nghiêm các trường hợp thu gom, nâng giá đất không đúng quy định, gây rối thị trường bất động sản, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện; theo dõi tình hình mua bán đất đai để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Báo cáo về công tác quản lý đất của La Dạ nêu những vấn đề bức xúc, trong đó có tình hình buôn bán đất sản xuất do Nhà nước cấp xảy ra trong thời gian qua và tiếp tục âm ỉ.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
 “Duy trì 5K - Sạch khuẩn toàn diện, an tâm mỗi ngày”
BTO-Đây là thông điệp chính của cuộc thi sáng tác clip trên nền tảng TikTok “Ngành Dân số đồng hành cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19” do Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình phối hợp với Aiken Việt Nam vừa phát động.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Đất 04” đang bị đầu cơ