Người ta nói đó là sự vô phúc, phản phúc, sớm muộn cũng sẽ có quả báo. Út Mũi Né trong một chuyến công vụ nửa cuối tháng 6/2022, mục sở thị xin được thuật lại câu chuyện cảm động sau đây:
Ông Lý Xương Căn, Đại sứ du lịch, hậu duệ thứ 31 của dòng họ Lý Việt Nam ở Hàn Quốc là khách mời của Hội Nhà báo Việt Nam, tới dự một trong những sự kiện kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tại đây ông phát biểu về mối quan hệ sâu nặng giữa báo chí và sách với du lịch; giữa nhà báo với ngành công nghiệp không khói.
Ông Lý Xương Căn mang theo cuốn sách “Hoàng thúc Lý Long Tường” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) để tặng nhà báo và ông đã nói chuyện bằng tiếng Việt - về Hoàng thúc Lý Long Tường. Ông Lý Xương Căn nhẹ nhõm, nở nụ cười hiền hậu:
- Tình yêu Tổ quốc, cách xa vạn dặm không nguôi nhớ về cố hương. Tại Hàn Quốc, nơi tôi sinh thành, trên đỉnh Hoa Sơn có tảng đá xanh lớn, 10 người có thể ngồi thiền hoặc cùng đàm đạo. Sinh thời Hoàng thúc Lý Long Tường vẫn thường lên tảng đá đó gọi là Việt Thanh nham vọng về Tổ quốc Việt mà khóc. Và sau này con cháu gốc người Việt ở xứ Hàn cũng làm đúng như Hoàng thúc Lý Long Tường. Việt Thanh nham là biểu tượng về tình yêu Tổ quốc của người Việt nhớ về phương Nam mà thương, mà nhớ, mà khóc:
Thân thương tuy xa cách vạn dặm
Đất tổ quê hương mãi trong tâm.
Ông Lý Xương Căn nở nụ cười hồn hậu, tiếp tục mạch kể của mình:
- Hoàng thúc Lý Long Tường là nhà chiến lược quân sự. Sử sách ghi rõ ông dùng binh pháp Đại Việt trong những lần phạt Tống, bình Chiêm, đánh bại quân Mông Cổ. Với những chiến công oanh liệt đó, triều đình đã tuyên dương công trạng và được đích thân nhà vua viết dòng chữ ban tặng THỤ HÀNG MÔN. Cho đến nay, gần 800 năm đã trôi qua, tấm bia ấy vẫn sáng bóng trơ gan cùng tuế nguyệt. Tinh thần quả cảm của Hoàng thúc Lý Long Tường tỏa sáng cùng thời gian và non sông đất nước. Lịch sử ghi chép, tôn vinh 72 vị đại trung thần trong đó có Hoàng thúc Lý Long Tường cùng hai người con trai và hai người cháu của ông. Sống trên đất khách nhưng các bậc tiền bối họ Lý vẫn một lòng một dạ sắt son, giữ lòng trung hiếu của con cháu họ Lý.
Đại sứ du lịch Lý Xương Căn nhẹ nhàng, mãn nguyện tâm sự:
- Năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 18/5/1994, tôi là hậu duệ thứ 31 của Hoàng thúc Lý Long Tường trở về thủ đô Hà Nội, trở về với Hoàng thành Thăng Long xưa, thắp nhang cúng tổ tiên họ Lý. Và sau đó đều đặn hàng năm, các thành viên của hậu duệ họ Lý tại Hàn Quốc lại lần lượt trở về với cội nguồn, tiên tổ, đặng góp sức mình xây dựng quê hương – Tổ quốc Việt phát triển.
Kết thúc bài nói chuyện súc tích, ngắn gọn, gần như là cuộc tâm tình bằng tiếng Việt mà ông chưa thật sõi về sách và báo với du lịch, ông Lý Xương Căn nhấn mạnh:
- Mang trong mình dòng máu Việt, yêu nước, yêu quê hương, hướng về cội nguồn. Nhờ vậy, làm cho tâm ta an, lòng ta thanh thản, sức mạnh trong ta được nhân lên. Tình yêu quê hương, đất nước đẹp lắm thay! Chúc cho “ngòi bút của các bạn rạng ngời”.
Những tâm sự của ông Lý Xương Căn đủ nói lên mọi điều, tự nó đã phản bác sự phản phúc lạc lõng của ai đó, lúc nào đó. Lý Long Tường và hậu duệ của cụ là sự tri ân đất mẹ, tấm gương hướng về nguồn cội!