Theo dõi trên

Lợi thế du lịch biển La Gi

24/06/2022, 06:11

Từ những năm đầu thành lập thị xã La Gi (2006), dọc 28 km bờ biển còn hoang sơ đã có 49 dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư.

Tiếp đó, năm 2007 UBND thị xã La Gi tổ chức cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh khá quy mô với chủ đề “La Gi - tiềm năng và cơ hội đầu tư” giới thiệu những điều kiện, thế mạnh trong phát triển thương mại - dịch vụ gắn với đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch. Tính đến nay đã qua 16 năm, thị xã La Gi đang chuyển mình với một đô thị loại 3, hoạt động dịch vụ du lịch nhỏ lẻ có hướng phát triển, tuy nhiên các dự án du lịch nghỉ dưỡng, giải trí có quy mô lại giậm chân ở con số 12 dự án đi vào hoạt động, quả thật là ít ỏi. Tất nhiên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.

la-gi.jpg.jpg

Trải thảm mời gọi nhà đầu tư

Liên hệ lại danh sách các dự án du lịch và theo bản đồ quy hoạch giao thông khu du lịch ven biển khi còn là huyện Hàm Tân (trước 2006), chỉ tập trung ở 3 xã Tân Thiện (Tân Thiện - Tân Phước), Tân Bình (Bình Tân - Tân Bình), Tân Hải (Tân Tiến - Tân Hải) và 3 khu du lịch cộng đồng Cam Bình, Đồi Dương, ngảnh Tam Tân với diện tích chiếm trên 450 ha và hầu hết là đất 3 loại rừng, đất rừng phòng hộ ven biển. Lúc bấy giờ, quan điểm của chính quyền là “trải thảm”, khá cởi mở với các điều kiện, quy định về đầu tư, nên ban đầu một số “chủ đầu tư” dù với tư cách cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ… bỗng trở thành những doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH đứng tên chủ dự án. Sau này có hiện tượng mất dần khỏi danh sách các dự án bằng nhiều cách “thay tên đổi chủ” cũng là tất yếu. Phần lớn các dự án được tỉnh ưu đãi với quyết định thu hồi và cho thuê đất làm du lịch. Nhưng mang tư tưởng “buôn có bạn, bán có phường” nên có một số dự án vừa không có khả năng đầu tư, thiếu chuyên nghiệp, vừa vướng đất của dân tranh chấp càng có cái cớ trì hoãn xúc tiến đầu tư, dù giá bồi thường lúc đó không mấy cao.

Bấy giờ nhìn thấy con số dự án dọc biển đã kín trên giấy tưởng chừng như một tín hiệu đáng mừng, chiếm ưu thế triển vọng cho một La Gi sớm trở thành một vùng đất du lịch hấp dẫn. Mỗi dự án có mặt bờ biền ngắn nhất 80 - 100m và dài nhất là Sài Gòn - Hàm Tân 1.800m, Đất Lành 510m, Thuận Việt 300m, Hương Nam 172m… Là du lịch biển nhưng lại có khá nhiều dự án chỉ rộng khoảng 1,5 - 2 ha, so với tổng thể thì bộc lộ rõ tình trạng manh mún. Trong quy hoạch có gì đó không phù hợp mấy với tầm nhìn xa hơn để biến vùng đất biển này tương xứng lợi thế về phát triển du lịch một cách quy mô, bền vững. Càng hạn chế hơn khi chỉ có 3 con đường rẽ xuống biển rộng 50m lọt thõm bên ranh các dự án du lịch sẽ được xây dựng. Như từ Đồi Dương đến Dốc Trâu dài 7 km chỉ có một, nay mới mở thêm đoạn đường Lê Quang Định thông ra biển. Sau này mới bộc lộ những bất cập đó khi các chủ đầu tư vin vào nguyên nhân khó khăn, vướng mắc để trì trệ, không triển khai xây dựng dự án. Mặc dù đã mở tuyến đường du lịch ven biển từ phường Phước Lộc đến Cam Bình (đường Lê Minh Công) và đường Hùng Vương từ Đồi Dương (Bình Tân) lên ngảnh Tam Tân nhưng chỉ lợi về quỹ đất mà khai thác được cảnh quan bờ biển. Các khu vực bãi biển Tân Tiến - Tân Bình, Tân Phước trước đó là rừng dương phòng hộ, không có nhà dân thuộc đất rừng phòng hộ, đôi chỗ là mỏ khai thác khoáng sản titan… Nhưng đường du lịch cách bờ biển quá xa, có nơi dài trên 600 m. Khác với các thành phố du lịch trong vùng, luôn chú ý đến sự cần thiết cảnh quan, hoa viên bờ biển và đường giao thông cặp bờ biển được quy hoạch đầu tư rất khoa học, tạo nên một không gian thông thoáng thì ở đây không có. Trong khi đó các tỉnh lân cận đã nhìn ra không gian biển là giá trị vàng nên mạnh dạn mở rộng, tận dụng và tập trung đầu tư các khu du lịch cộng đồng. Như Quy Nhơn đã dời 3 khách sạn lớn để trả lại bờ biển, thành phố Nha Trang thu lại 1 ha đất mặt biển (khu Bãi Dương), ở Vũng Tàu thu hồi 28 ha doanh nghiệp kinh doanh lấn bãi (bãi Thùy Vân)… với ý nghĩa rất nhân văn “dành không gian biển cho cộng đồng”. Con đường du lịch ven biển La Gi từ Đồi Dương (Bình Tân) đến Dốc Trâu (Tân Tiến) dài 7 km hiện nay nằm trong danh mục dự án đầu tư từ năm 2017 không còn phù hợp, lẽ ra phải được định hình dọc bờ biển vừa tạo không gian văn hóa du lịch, vừa chạy ngang tiền cảnh các công trình resort nghỉ dưỡng hướng ra biển mà không vướng đất sản xuất, ao tôm làm khó cho các dự án mở đường vào. Một khu du lịch cộng đồng Đồi Dương (6 ha) - Hòn Bà (4 ha) được một công ty bề thế đăng ký ngay từ đầu, rồi bị thu hồi… Nay 6 ha rừng dương bờ biển gần 100 tuổi, hàng quán của dân chưa thỏa thuận và buông lỏng để tự phát, trụ rào tua tủa, bát nháo làm xơ xác một bãi biển, đích thực là một khu “cộng đồng” của trung tâm thị xã từ xưa nay.

Có thời điểm những năm 2005 - 2010, giá đất ở Cam Bình chỉ dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/m2. Phần nhiều đất do Nhà nước cho dự án thuê nhưng nhiều dự án vẫn chưa khởi động, dựa vào đường giao thông chưa có và vài khoảnh đất còn tranh chấp chờ giải quyết, hoặc chờ sang bán, dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang, lấn chiếm ngày càng phức tạp... Một phần nguyên nhân từ quy hoạch tràn lan, từ biện pháp quy định về đầu tư, quản lý đất đai từ ban đầu là hệ quả, đã có chi phối không nhỏ đến khai thác tiềm năng, lãng phí đất đai và sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cơ hội mới cho du lịch La Gi

Tuy chựng lại một thời gian do đại dịch Covid-19, đến giờ các tuyến đường ven biển ĐT.719 mở rộng từ Phan Thiết - Kê Gà - La Gi, đường ĐT.719B nối Kê Gà qua Tiến Thành, Hàm Kiệm đến quốc lộ 1A và đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang với tốc độ hình thành. Cùng lúc từ đường quốc lộ 51 Long Thành - Bà Rịa Vũng Tàu theo quốc lộ 55 đến La Gi… Mở ra cơ hội chắp cánh cho du lịch La Gi, khai thác những ưu thế thiên nhiên, lắp đầy khoảng trống im ắng nằm giữa cung đường biển nhộn nhịp của các khu resort - spa, đô thị nghỉ dưỡng từ Vũng Tàu, Hồ Tràm, Hồ Cốc với Kê Gà, Tiến Thành, Mũi Né… Một khoảng lặng quá dài rất phí phạm tài nguyên thiên nhiên, lại vô lý bị chiếm lĩnh bởi các dự án du lịch “treo” rộng hàng trăm, hàng chục ha như dự án Sài Gòn, Hàm Tân (182 ha), Eden, Bảy Kỳ Quan, Biển Bình Tân, Ba Miền… Nhưng càng khó hiểu với các khu du lịch cộng đồng ngảnh Tam Tân, Đồi Dương, Cam Bình, tuy qua nhiều phương án đầu tư khai thác có từ hàng chục năm trước, do công tác quản lý đất đai, lâu dần “thất thủ” trước tình trạng lấn chiếm tràn lan để rồi “thỏa hiệp” cho nhu cầu hoạt động kinh doanh, phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng quyền lợi thụ hưởng đích thực của cộng đồng. Những năm sau này, tỉnh có những quyết định, thông báo thu hồi hoặc cho gia hạn đối với các dự án không triển khai xây dựng… nhưng có lẽ các dự án này đều có nhiều lý do để rồi tiếp tục tồn tại.

Giải pháp nào để tháo gỡ cho du lịch La Gi, thực sự đã có từ những chủ trương thúc đẩy của tỉnh và địa phương đặt ra. Nhưng hiện nay với những tín hiệu mới về giao thông, về hạ tầng cơ sở được coi là cơ hội mới, có tác động tháo gỡ cho du lịch thị xã La Gi trên lộ trình tiếp tục thực hiện đồng bộ các tiêu chí đô thị loại III theo hướng phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.

PHAN CHÍNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Người Bình Thuận đỗ đạt trong các kỳ thi Hương thời Nguyễn. Bài 2
Bài 2: Thi Hương thời Nguyễn và 17 vị cử nhân người Bình Thuận
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lợi thế du lịch biển La Gi