Theo dõi trên

Dấu xưa Động Trắng ở cửa biển Ba Đăng

24/12/2014, 10:19

BT- Dọc dài 28 km bờ biển thị xã La Gi còn lạc lõng một phần đất rộng khoảng 50ha, nhưng được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh quan lạ lẫm và thơ mộng. Ba phía là bờ biển hoang sơ và đồi cát cao nghiêng bóng xuống dòng sông đầy cây xanh quyến rũ.

Cốc Thần Long.

Sau ngày giải phóng 1975, Động Trắng vẫn chơ vơ một động cát cao vắng vẻ với rừng chồi hoang dại. Nhưng dưới con mắt thông đạt của nhà sư Ngộ Giải thuộc dòng Lâm Tế, từ chùa núi Tà Cú hạ sơn, thì nhìn thấy đây là mảnh đất an nhiên có thế phong thủy rất thích hợp làm nơi tu tịnh. Năm 1984 ngài dựng túp lều tranh, vách lá trên nền đất xưa của ngôi miếu cổ bị vùi lấp do máy bay Pháp tàn phá. Ngọn đồi cao mang dáng đầu rồng và phần đuôi kéo dài hàng trăm mét ra cửa biển Ba Đăng. Cho nên sư Ngộ Giải đặt tên nơi tu tịnh này là Thần Long và khiêm nhường coi đây chỉ là “Cốc” (chỗ ở ẩn) nhưng đông đảo bà con theo đạo Phật vẫn gọi là chùa. Đến nay, Cốc Thần Long đã xây được ngôi chánh điện và tượng Phật Di đà, tượng Nam Hải Quan Âm… bằng sự cúng dường của tín đồ Phật giáo từ La Gi, Tân Thuận, Phan Thiết và ở địa phương. Có phật tử sinh sống nơi xa nhưng phát nguyện góp hàng trăm triệu đồng cho chi phí thuê xe vận chuyển đất sỏi để làm con đường vào chùa dài 200 m, có người từ các phường Tân An, Phước Lộc, Phước Hội… không quản ngại đường xa, cách trở vẫn cần mẫn đến làm công quả vì ngôi chùa nghèo. Nhiều người còn kể cho nhau nghe về tài biến hóa, thần thông của nhà sư thuở khai sơn đã trở thành huyền thoại nhưng có ý nghĩa nhân văn, với những điều răn dạy chơn tâm. Danh tiếng về đạo hạnh chân tu của nhà sư Ngộ Giải cho đến ngày viên tịch (2011) đã thọ giới nhiều môn đồ có căn duyên theo con đường tu học. Như hòa thượng Quảng Nhàn hiện trụ trì chùa Cam Bình (La Gi), đại đức Nguyên Duyên trụ trì tịnh thất Phật Lâm (Tân Thuận) và một số nhà tu đang tiếp tục tu học tại các chùa ở Phan Thiết, Đồng Nai…

Trước đây, lối đến Động Trắng chỉ có phương tiện duy nhất bằng thuyền hay thúng chai để qua dòng sông Phan tại bến Ba Đăng. Nhưng nay có thể đi bằng xe máy, ô tô theo tuyến đường ĐT719 với đoạn rẽ từ Gò Đình vào chùa gần 2 km. Đứng trên ngọn đồi cát cao lộng gió, nhìn thấy ngọn hải đăng Khe Gà sẽ cảm nhận được những làn sóng xanh hiền hòa đang đánh thức giấc ngủ say của huyền thoại từ xa xưa đọng lại ở đây. Nếu khai thác nơi này trở thành điểm du lịch tâm linh sẽ tạo thêm một địa chỉ mới trong hệ thống du lịch ở La Gi.

ĐÔNG NGHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu xưa Động Trắng ở cửa biển Ba Đăng