Theo dõi trên

Đập tràn Măng Tố: Điểm du lịch mới ở Tánh Linh

06/12/2021, 01:28 - Lượt đọc: 6,312

BT- Dòng nước trong vắt, nhẹ nhàng mơn man khiến người đến đây như trút bỏ được những muộn phiền lo toan trong cuộc sống… Đó là cảm giác mà nhiều người muốn tìm đến với đập tràn Măng Tố…

Đập tràn Măng Tố - điểm du lịch sinh thái mới ở Tánh Linh.

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế mà còn khiến nhiều người bị ảnh hưởng về mặt tinh thần, bởi thiếu sự sinh hoạt cộng đồng hoặc những chuyến du lịch cùng anh em, bạn bè hay đồng nghiệp. Ở vùng bắc sông Tánh Linh nằm thượng nguồn con suối Đá, đập tràn Măng Tố được xây dựng cách đây khoảng 5 năm với chức năng để giữ nước tưới trong khu vực, đồng thời ngăn chặn việc xói lở dưới dòng hạ lưu con suối. Tuy nhiên, gần đây đập tràn Măng Tố lại có thêm chức năng là… điểm du lịch sinh thái cho bà con trong vùng.

Từ ngã ba đường 717 gần chợ Măng Tố, đi vào phía tay phải (tính từ thị trấn Lạc Tánh lên) khoảng 1,5 km sẽ bắt gặp đập tràn được xây dựng phía dưới chiếc cầu bê tông bắc qua suối đá. Đập tràn có bề ngang gần 200 m, nước chảy lấp xấp kèm theo những chú cá lớn bé đủ màu sắc, từ núi theo dòng nước bơi về xuôi, khi đến đập tràn gặp nước cạn nên vùng vẫy làm nước bắn tung tóe trông rất đẹp mắt. Phía dưới đập tràn có nhiều vùng nước cạn chỉ từ đầu gối đến ngang ngực người lớn đứng và có một vùng nước sâu chừng 4 m. Nơi nước cạn trẻ em có thể vui đùa thỏa thích, nơi nước sâu hơn dành cho người lớn bơi lội vùng vẫy với làn nước trong xanh tự nhiên từ núi đổ xuống.

Tôi theo chân anh Chu Văn Đạt – Giám đốc doanh nghiệp viễn thông ở Bình Dương “trốn dịch” về nhà ba mẹ ruột ở thôn 3, xã Măng Tố gần 5 tháng nay, vào đập tràn tham quan. Trước khi đi tôi hơi ngại vì sợ tập trung đông người vi phạm phòng chống dịch, nhưng Đạt trấn an là diện tích đập tràn rất rộng, gần cả ha, hầu như chỉ gia đình đến đập nên “nhà nào ngồi nhà nấy” với khoảng cách không phải 2 m mà…100 m. Măng Tố đang vùng xanh và đi chỉ 3 người nên tôi có phần yên tâm. Quả thật vào đập tràn tôi thấy từng tụm gia đình nhỏ chỉ 4 người trở lại ngồi dọc bờ suối và đập tràn. Nơi nào có bóng cây rừng râm mát là có người ngồi sinh hoạt.

Do đập tràn còn hoang sơ nên cây rừng 2 bên bờ suối khá nhiều, tạo sự che mát tự nhiên và khung cảnh thiên nhiên rất đẹp. Dưới những gốc cây một số gia đình đem gà vào nướng, nhà thì bổ sầu riêng, mít tố nữ mua gần đó khiến mùi thơm “đập” vào mũi gây thèm thuồng đến lạ. Tôi thấy lạ là có gần chục gia đình vào suối nhưng không ai tắm tập thể mà cứ hết gia đình này xuống tắm xong lên lại vị trí gia đình ngồi ăn uống, mới đến gia đình khác xuống tắm, kiểu như chia ca. Như hiểu được thắc mắc của tôi, Đạt giải thích: Bà con phòng chống dịch nên ai cũng giữ khoảng cách, anh em mình cũng vậy nhé…

Nắng chiều phớt nhẹ lên những đóa hoa rừng nở ven suối, dòng nước trong vắt miên man chảy. Mấy đứa nhỏ mặc áo phao cứ ở lỳ dưới nước không chịu lên bờ, mặc ba mẹ chúng hối thúc lên bờ kẻo cảm lạnh nhưng chúng cứ kèo nài xin thêm tí nữa… Ừ thì thêm tí nữa cho con được giải trí chứ mùa dịch này ở trong nhà miết người lớn còn bị stress, huống chi trẻ em tuổi ăn tuổi chơi lại phải học online chưa được đến trường thì sẽ bí bách đến thế nào…

Trần Thi

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Dương Văn An giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025
Sáng 18/3/2024, tại Vĩnh Phúc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, công bố Quyết định của Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đập tràn Măng Tố: Điểm du lịch mới ở Tánh Linh