Theo báo cáo, tính đến ngày 25/4/2022, cả nước đã tiêm hơn 212,6 triệu mũi tiêm. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin khoảng 205 triệu mũi tiêm, còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống. Toàn quốc có 43.491.814 mũi tiêm đã xác minh thông tin sai - sai số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác; 3.364.726 mũi tiêm không xác minh được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại Bình Thuận, số người không có căn cước công dân (CCCD) hoặc sai định dạng là 53.364 người; có 306.725 người sai thông tin cơ bản.
Tại hội nghị, “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 theo quy trình cũng được chỉ đạo: Trạm y tế cấp xã lập danh sách người tiêm chủng Covid-19 thường trú trên địa bàn sai thông tin; tổ công tác triển khai đề án 06 cấp thôn, ấp rà soát, bổ sung, điều chỉnh thông tin, sau đó chuyển danh sách đến công an xã/phường đối chiếu, xác thực, bổ sung thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công an ký và bàn giao danh sách cho trạm y tế cập nhật, bổ sung thông tin trên nền tảng quản lý tiêm phòng Covid-19. Các cơ sở tiêm chủng hàng ngày phải thực hiện kiểm tra, ký xác nhận “hộ chiếu vắc xin”.
Ký xác nhận “hộ chiếu vắc xin”, người Việt Nam bắt buộc sử dụng CCCD/CMND, được xác minh đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người nước ngoài tiêm tại Việt Nam sử dụng số hộ chiếu, không cần xác minh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm về tính chính xác. Các mũi tiêm mới, hoàn thành nhập dữ liệu và ký số xác nhận trong ngày theo Công văn 1815/BYT - CNTT ngày 8/4/2022.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đến nay có thể nói là cơ bản thành công. Việc tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người trên 18 tuổi đã đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi và trẻ trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi còn rất chậm. Vì vậy, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trẻ trong độ tuổi này để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.