Hình thành các vùng nông nghiệp hữu cơ
Theo UBND tỉnh, mục tiêu chung của đề án là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, hướng đến xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến tới nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, bền vững. UBND tỉnh định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Trên cơ sở đánh giá về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Trong đó, tại các vùng trồng như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong sẽ phát triển trồng trọt hữu cơ bao gồm lúa với diện tích canh tác gần 1.950 ha đến năm 2025 và khoảng 3.000 ha đến năm 2030. Đồng thời, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 350 ha rau đậu hữu cơ.
Ngoài ra còn có các loại cây ăn trái hữu cơ như thanh long, xoài, sầu riêng, mít, cây có múi, nhãn, điều được quy hoạch phát triển rộng ở các địa phương có thế mạnh. Trong đó, cây dược liệu hữu cơ được thực hiện theo Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận, có các sản phẩm dược liệu được công nhận là sản phẩm OCOP.
Nội dung đề án cũng xác định các địa phương như huyện Đức Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam tập trung lĩnh vực chăn nuôi hữu cơ. Theo đó, đến năm 2025 sẽ phát triển đàn bò thịt hữu cơ khoảng 2.550 con, đàn heo khoảng 3.200 con và đàn gia cầm khoảng 35.600 con…Riêng lĩnh vực thủy sản, tỉnh xác định nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các loài thủy sản bản địa, đặc sản ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc, với diện tích mặt nước khoảng 35 ha đến năm 2025, khoảng 80 ha đến năm 2030.
Ngoài ra, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với các loài cây thuốc quý, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Khai thác sản phẩm tự nhiên có tiềm năng từ rừng tự nhiên như măng, khoai mài, mộc nhĩ, rau rừng…
Nông dân, doanh nghiệp cùng tham gia
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 được UBND tỉnh phê duyệt là bước ngoặt lớn của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Từ đó, mở ra cánh cửa mới cho các vùng chuyên canh, nguyên liệu đạt tiêu chuẩn mở rộng xuất khẩu đến các thị trường khó tính. Tuy nhiên, để đề án sớm đi vào hiện thực, UBND tỉnh cho rằng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến các địa phương, người sản xuất… Mặt khác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong sử dụng, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo vùng tập trung đã được xác định, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với liên kết sản xuất. Thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung ruộng đất và tổ chức sản xuất hữu cơ, hình thành vùng sản xuất hữu cơ hàng hóa quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm hữu cơ đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ. Vận động nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Song song đó, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, kết hợp truyền thống…
Nhìn từ Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, nếu có sự chung tay, góp sức của các cấp ngành, nông dân, doanh nghiệp, tương lai không xa Bình Thuận sẽ hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với liên kết sản xuất. Khi ấy, một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh sẽ càng ở thế vững bền hơn.