Theo dõi trên

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Bình

11/04/2023, 05:00

Những năm gần đây, huyện Bắc Bình đồng hành cùng doanh nghiệp khơi thông những vướng mắc trong triển khai chính sách liên quan đến đất đai, nguồn vốn… đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, những vườn cây ăn trái hàng chục ha lần lượt mọc lên, cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao.

Vùng cây ăn trái chất lượng cao

Nhắc đến mít hữu cơ, nhiều người biết đến HTX Ba Hữu do ông Nguyễn Văn Hữu sáng lập nên tại xã Phan Lâm, Bắc Bình. Nhớ lại 16 năm trước, ông Hữu mang giống mít Thái ở quê Long An, ông và gia đình quyết tâm làm nên 1 trang trại mít sạch nơi đây. “Dù khí hậu nơi đây khá khắc nghiệt, nắng gió làm con người cũng khô héo, huống chi cây cỏ, may mà thổ nhưỡng phù hợp, nên những diện tích đất trồng mít bắt đầu phát triển tốt”, ông Hữu nhớ lại. Tuy nhiên, câu chuyện thiếu nước, thiếu điện làm ông Ba Hữu đau đáu mãi. Năm 2008, ông quyết định vay thêm cả tỷ đồng để kéo điện về và đầu tư hệ thống tưới. Ông Hữu chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, cộng với tình yêu nông nghiệp đã thôi thúc tôi bám trụ nơi đây, đem những kinh nghiệm, hiểu biết về nông nghiệp của mình chia sẻ cho bà con, thậm chí tặng cây mít giống miễn phí để họ trồng thử nghiệm”.

vuon-mit-o-xa-phan-lam-bac-binh-anh-n.-lan-4-.jpg
Vườn mít hữu cơ tại xã Phan Lâm (ảnh: N. Lân)

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, ông Hữu là người tiên phong đưa giống mít Thái về vùng đất Phan Lâm. Vì đa số bà con nơi đây là người dân tộc, họ không dám mạo hiểm chuyển đổi cây trồng mới cho đến khi gặp được ông Ba Hữu cho cây giống, cũng như chỉ cách chăm sóc. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu của ông Hữu, nhiều bà con ở xã Phan Lâm, Phan Sơn, Sông Bình đều chuyển sang trồng mít sạch, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ đó, HTX Ba Hữu ra đời với hơn 50 thành viên và diện tích trồng mít tăng dần lên hàng chục ha, đã minh chứng cho sự kiên trì đầu tư nông nghiệp sạch của ông là hướng đi đúng đắn. Dù những năm gần đây, giá mít chưa ổn định, nhưng ông Hữu vẫn khẳng định chắc nịch: “Cái nắng, cái gió, cái cằn cỗi nơi đây càng làm trái mít nói riêng, trái cây có múi nói chung có vị ngọt, thanh mà không nơi nào có được. Từ khi có hồ Sông Lũy, nông dân không còn lo chuyện thiếu nước tưới, mà chỉ chú tâm đầu tư làm nông nghiệp sạch, liên kết hình thành vùng chuyên canh cây trái đạt chất lượng xuất khẩu”. HTX Mít sạch Ba Hữu ra đời không chỉ với mục đích lo đầu ra sản phẩm cho nông dân nơi đây, mà ông còn ấp ủ xây dựng một nhà máy sấy mít khô và một số nông sản khác của địa phương. Xa hơn nữa là hình thành khu du lịch sinh thái kết hợp tham quan nhà vườn…

vuon-mit-o-xa-phan-lam-bac-binh-anh-n.-lan-2-.jpg
Nông dân không còn lo chuyện thiếu nước tưới, mà chỉ chú tâm đầu tư làm nông nghiệp sạch (ảnh: N. Lân)

Cùng gỡ vướng mắc

Ông Lê Xuân Hà – Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp CVC Bình Thuận, cũng đang sở hữu gần 100 ha cây ăn trái quy mô lớn tại xã Phan Lâm. Thương hiệu “quýt đường” Phan Lâm (đã đăng ký sản phẩm OCOP) ra đời cũng từ đây bởi những người yêu nông nghiệp như ông Hà cùng đội ngũ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm ở miền Tây đã dày công khai hoang vùng đất cằn cỗi, sỏi đá này thành vùng cây ăn trái theo chuẩn GlobalGAP. Ngoài 50 ha trồng quýt, phần diện tích còn lại được ông Hà trồng các loại cây có múi như bưởi, cam đang phát triển tươi tốt sau hơn 4 năm đầu tư. Ông Hà chia sẻ: “Nếu chỉ có tình yêu với nông nghiệp thôi chưa đủ, rất may UBND huyện đã cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn ban đầu về thủ tục pháp lý, cũng như ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi theo quy định pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp… Nhờ vậy, trang trại gần 100 ha nơi đây sẽ cho ra những “quả ngọt” không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu và sẽ là nơi tham quan hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới”.

z4251693372131_9036b628cff6c13ffa86cb46c1e9b9a4.jpg
Thương hiệu “quýt đường” Phan Lâm (đã đăng ký sản phẩm OCOP)

Họ chỉ là 2 trong số rất nhiều doanh nghiệp thích làm nông, đã bén duyên với huyện Bắc Bình, nhìn thấy tiềm năng của vùng đất nắng, gió này. Với đặc điểm là vùng đất có khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thời gian qua, Bắc Bình luôn chú trọng kêu gọi các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất bạc hà lấy tinh dầu tại xã Bình An, dự án trồng cây đinh lăng dưới áp mái điện mặt trời và các loại cây ăn trái tại Sông Lũy, Phan Rí Thành, trang trại trồng dưa lưới quy mô lớn của Công ty Tiên Phong Smart Farm (xã Hòa Thắng)... Ngoài ra, còn có trang trại chăn nuôi heo thịt, chăn nuôi bò tập trung tại xã Hồng Phong… Qua đó nhằm phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế sẵn có để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp huyện phát triển.

z4245291160687_7f5f11e41c045b109a1bbc5dd3eb4980.jpg
Huyện Bắc Bình đã và đang xây dựng một nền nông nghiệp sạch

Để thu hút được nhiều doanh nghiệp, UBND huyện đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, có các giải pháp nhằm xóa bỏ rào cản, tháo gỡ kịp thời khó khăn, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện tốt môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, huyện còn công khai các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, đăng ký dự án đầu tư, qua đó góp phần giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bắc Bình còn tích cực gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn huyện, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của lãnh đạo huyện, mặc dù chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã cơ bản đủ, nhưng vẫn còn những “điểm nghẽn” về chính sách dẫn đến kết quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Nhưng với những định hướng phát triển nông nghiệp một cách rõ ràng, huyện Bắc Bình đã và đang xây dựng một nền nông nghiệp sạch, phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế chuyển dịch của kinh tế thế giới theo hướng “xanh” và “thông minh”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo một lối riêng.

“Thời gian tới, Bắc Bình sẽ tiếp tục kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Bắc Bình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó là định hướng về mặt hàng nông sản chủ lực có thế mạnh, tiềm năng ở từng địa phương, từng vùng để các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư…”.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo vệ an ninh trật tự ở Bắc Bình
So với các địa phương khác, Bắc Bình là huyện có nhiều dân tộc sinh sống nên việc vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở nơi đây có những nét riêng biệt.
Nổi bật
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự Ngày hội Đại đoàn kết ở xã Tân Tiến
BTO-Chiều ngày 16/11, đồng chí Đặng Hồng Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa V đơn vị Bình Thuận đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Tham dự ngày hội còn có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội chữ thập đỏ tỉnh, đại diện UBND thị xã La Gi và đông đảo bà con nhân dân thôn Tam Tân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Bình