Theo dõi trên

Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư: Vì lợi ích người dân, doanh nghiệp

13/06/2022, 05:51

Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) mang lại rất nhiều tiện ích. Thực hiện Đề án 06, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai hàng loạt dịch vụ công thiết yếu, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử...

Bảo mật cao, thuận tiện hơn

Với việc triển khai Đề án 06, khi một cá nhân có tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD), ứng dụng định danh điện tử trong các giao dịch tài chính như: thanh toán hóa đơn điện nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền hoặc trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đơn giản. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần ở nhà hoặc bất cứ đâu cũng có thể được giải quyết thủ tục, yêu cầu (trên môi trường điện tử thông qua mạng internet) mà không cần phải đến cơ quan, tổ chức thực hiện như trước đây. Điều này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp giảm được thời gian, chi phí đi lại và không phải tập trung đông người, chờ đợi. Đặc biệt, mọi thông tin liên quan được bảo mật, không thể giả mạo do được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc do Bộ Công an quản lý. Đây là những tiện ích hiện hữu, đồng thời cũng là yêu cầu, mục đích được xác định trong Đề án 06 của Chính phủ.

dsc00907.jpg
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Tám - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đến thăm, tặng quà Tổ lưu động cấp căn cước công dân Công an huyện Hàm Thuận Bắc tại thị trấn Phú Long. (ảnh tư liệu)

Tại Bình Thuận, ngay từ đầu năm nay, các đơn vị, địa phương đã khẩn trương chuẩn bị về hạ tầng thiết bị (máy tính, máy in, máy scan...) đường truyền internet, nhân lực để thực hiện quy trình nghiệp vụ, phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo theo quy định. Tiến hành số hóa các tài liệu theo tiêu chuẩn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung triển khai dịch vụ công

Được biết, trong 25 dịch vụ công thiết yếu (thuộc các lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) thì Công an tỉnh có 11 dịch vụ, 14 dịch vụ còn lại thuộc các sở, ngành. Hiện nay, công an các địa phương đang tập trung nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD trên địa bàn. Theo thống kê của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, tính đến ngày 10/5/2022, toàn tỉnh đã thu nhận 1.044.292/1.149.285 hồ sơ chỉ tiêu do Bộ Công an giao (đạt 90,86%), trong đó cấp tài khoản định danh điện tử kèm hồ sơ CCCD cho 5.474 trường hợp, cấp tài khoản định danh điện tử cho 564 trường hợp. Đã truyền dữ liệu về Trung ương 1.039.330 hồ sơ (đạt 99,52%).

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế thông báo rộng rãi đến người tham gia BHYT khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID. Các sở, ban, ngành, địa phương cũng sẵn sàng kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Công an tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ định danh, xác thực, tạo lập tài khoản điện tử của cá nhân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân để cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đánh giá của các ngành, địa phương, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn thấp do chưa hiểu rõ được lợi ích dịch vụ công đem lại, vẫn còn tâm lý nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa để yên tâm hơn. Tại cuộc họp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nhấn mạnh, đây là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích quốc gia, của tỉnh, trực tiếp là cơ quan, tổ chức, người dân và của doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung củng cố, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực làm sạch dữ liệu đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống để kết nối, đồng bộ, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại cơ sở, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tiến hành thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư bảo đảm đầy đủ, chính xác; thực hiện nghiêm túc dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực đăng ký cư trú, hộ tịch...

LÊ PHÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiếp tục phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh...
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực, khẩn trương triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng có vai trò rất quan trọng, gắn với từng người dân, từng gia đình, là nền tảng để hình thành công dân số, xã hội số, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư: Vì lợi ích người dân, doanh nghiệp