Định hướng mở rộng thành phố
TP. Phan Thiết hiện có 14 phường nội thành và 4 xã ngoại thành (Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi, Tiến Thành), tổng diện tích tự nhiên khoảng 210,7 km2. TP. Phan Thiết được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II vào tháng 6/2009 đến nay, không gian, quy mô, diện tích, tiêu chí dân số và điều kiện TP. Phan Thiết vẫn còn một số hạn chế, chưa đảm bảo để đạt tiêu chí đô thị loại I trong tương lai. Những yếu tố này khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố gặp không ít khó khăn.
Một góc TP.Phan Thiết - ảnh N.Lân
Việc mở rộng thành phố Phan Thiết để phát triển không gian kiến trúc đô thị hài hòa, cân đối; kiên trì nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang để đạt được mục tiêu xây dựng đô thị biển theo định hướng: Xây dựng đô thị đa trung tâm với khung giao thông đảm bảo liên kết vùng, liên kết đến các đầu mối giao thông quan trọng quốc gia (đường bộ cao tốc, sân bay…). Mở rộng không gian đô thị, tăng cường khả năng tiếp cận biển, kết nối các khu vực đô thị; phát triển các đô thị du lịch sinh thái hướng biển, gắn với cải thiện không gian ven biển, không gian xanh, tăng diện tích không gian công cộng để phục vụ cộng đồng. Phát triển đô thị theo hướng bền vững; nâng cấp chất lượng không gian ven biển, tăng cường quản lý hành lang ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, xói lở bờ biển. Ưu tiên tối đa thiết lập các tuyến giao thông tiếp cận ra không gian biển. Xây dựng đường bờ biển thích ứng biến đổi khí hậu (kè chắn sóng ngoài khơi, giải tỏa áp lực xây dựng cho hành lang ven biển). Phát triển đô thị hướng đến đạt tiêu chí đô thị loại I, nâng cấp cải tạo hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, bổ sung cây xanh cho khu vực đô thị hiện hữu, khu vực mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Đồng thời, sắp xếp, bố trí không gian, cải tạo, nâng cấp, hoàn chỉnh các trung tâm hành chính, văn hóa, lịch sử, dịch vụ thương mại, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, công viên - cây xanh, đảm bảo phục vụ tốt cho người dân và du khách.
Vòng xoay tượng đài Chiến Thắng Phan Thiết - ảnh N.Lân
Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết - Phan Nguyễn Hoàng Tân cho biết: Việc định hướng mở rộng thành phố Phan Thiết với diện tích khoảng 276,26 km2 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt theo định hướng từ trước đến nay tại Đồ án quy hoạch chung đến năm 2040 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Về định hướng mở rộng thành phố Phan Thiết vẫn giữ theo phương án mở rộng đã được phê duyệt năm 2009 mở rộng ra các huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, gồm ranh giới hành chính TP. Phan Thiết hiện hữu và thị trấn Phú Long, một phần diện tích các xã: Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) và một phần diện tích xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam). Trung tâm thành phố Phan Thiết tập trung phân thành 4 khu định hướng: Khu vực đô thị trung tâm gồm các phường: Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo, Bình Hưng, Hưng Long, Phú Trinh, Phú Thủy, Thanh Hải, Xuân An và xã Phong Nẫm, các phường phân bố hai bên bờ sông Cà Ty, gồm khu vực Bắc sông Cà Ty và khu vực Nam sông Cà Ty. Khu đô thị phía Bắc (các phường: Phú Hài, Hàm Tiến, Mũi Né và xã Thiện Nghiệp). Khu đô thị phía Nam (trên địa bàn các phường, xã: Tiến Thành, Tiến Lợi, Đức Long). Khu vực Phan Thiết đô thị sinh thái vệ tinh thành phố nằm trong định hướng mở rộng tương lai gồm Hàm Thắng, Phú Long, Hàm Hiệp. Đồng thời, định hướng phát triển đô thị một số khu vực quan trọng của thành phố như: Quy hoạch chỉnh trang hai bên sông Cà Ty; tuyến phố thương mại dịch vụ cảnh quan hai bên đường Nguyễn Tất Thành; tuyến phố và công viên biển Lê Lợi…
Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Phan Thiết - ảnh T.Duyên
Đô thị du lịch biển Phan Thiết hiện đại, văn minh, xanh, sạch đẹp
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An có buổi làm việc với Thành ủy Phan Thiết, về định hướng mở rộng TP. Phan Thiết và quy hoạch một số khu vực quan trọng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Quy hoạch mở rộng TP. Phan Thiết đã được cấp thẩm quyền ban hành từ năm 2008, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai bằng những công việc cụ thể. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về chủ trương tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án mở rộng TP. Phan Thiết để xây dựng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục của tỉnh và trở thành đô thị du lịch biển hiện đại, văn minh, xanh, sạch đẹp; là nơi đáng sống, điểm đến hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, việc lập quy hoạch hướng đến mục tiêu lâu dài, tầm nhìn xa, đảm bảo hài hòa tính khoa học, thực tiễn, đồng bộ, liên thông, không chắp vá. Phải đặt mục tiêu vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của thành phố, của tỉnh lên trên hết, tránh cục bộ, lợi ích nhóm. “Đây không phải là việc làm được ngay, việc mở rộng như thế nào như đề xuất của thành phố phải có Đề án, thuê đơn vị tư vấn cho đến tham khảo ý kiến cộng đồng người dân, làm việc với các địa phương để xác định địa giới hành chính mở rộng và các khu dân cư phù hợp... và phấn đấu phải hoàn thành trước năm 2030”, Bí thư Tỉnh ủy nói.
Xây dựng tuyến đường ven biển thông suốt từ phía Bắc đến phía Nam - ảnh N.Lân
Lưu ý mục tiêu của tỉnh xác định TP. Phan Thiết phát triển thành đô thị du lịch biển. Với lợi thế chiều dài 57 km bờ biển của thành phố đẹp, đặc biệt có khu vực Mũi Né nổi tiếng, nhưng bờ biển thành phố, các tuyến đường ven biển bị chia cắt, mặt biển có các khu dân cư hiện hữu và các dự án du lịch. Do vậy, khả năng tiếp cận biển của người dân và du khách hạn chế. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, ở giai đoạn này chúng ta phải có tầm nhìn xa hơn, dài hơn và mang tính chất xã hội làm sao tăng khả năng tiếp cận biển của người dân, tạo đường bờ biển thông thoáng kết nối liên thông để xây dựng Phan Thiết trở thành thành phố đô thị du lịch biển hiện đại, văn minh, xanh, sạch đẹp. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương quy hoạch, nghiên cứu phải xây dựng tuyến đường ven biển thông suốt từ phía Bắc đến phía Nam.