Theo dõi trên

Tuy Phong: Kỳ vọng từ dự án đầu tư chăm sóc táo trong nhà lưới

09/03/2023, 05:22

Dựa trên “cái nôi” phát triển cây táo tại địa bàn huyện Tuy Phong, Hội Nông dân xã Phong Phú đã đứng ra làm chủ dự án “Đầu tư chăm sóc táo nhà lưới đạt sản phẩm OCOP”. Mục tiêu của dự án nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm táo. Mặt khác, giúp nông dân địa phương có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây táo theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phát huy thế mạnh vùng trồng

Phong Phú là xã khó khăn, nằm ở phía tây huyện Tuy Phong, với diện tích tự nhiên gần 11.900 ha, dân số toàn xã khoảng gần 9.000 khẩu/2.346 hộ. Đáng chú ý, hiện nay có khoảng 95% dân số trong xã sống bằng nghề nông nghiệp với tổng diện tích sản xuất lúa gần 1.000 ha và đất trồng cây hàng năm khác trên 1.500 ha. Vào thời điểm này, địa phương đã và đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng các loại cây trồng, bao gồm thanh long 185 ha, táo 70 ha và các loại cây trồng khác như nho, hành, mì và các cây họ đậu. Trong đó, táo là cây trồng được nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất cây màu không có hiệu quả trước đó.

z4165438308183_fedb5b9f0b852c80aa887d8ce98d3637.jpg
Ông Võ Ngọc Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú và vườn táo hiện có.

Ông Võ Ngọc Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú cho biết, thực tế cho thấy một số nông dân đã trồng cây táo theo hướng trùm lưới đều có thu nhập ổn định, có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hội viên, nông dân sản xuất cây táo gặp nhiều khó khăn. Đó là tình trạng người trồng không có khả năng đầu tư vốn để trùm lưới táo dẫn đến sâu bệnh gây hại, nhất là ruồi vàng đục trái. Đây cũng là lý do bà con chưa phát huy được thế mạnh, nâng cao sản lượng, chất lượng của cây táo cũng như đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó hiện nay nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm táo trong và ngoài huyện rất lớn, nhưng hầu hết bà con chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, mới đây Hội Nông dân xã Phong Phú đã đứng ra làm chủ dự án vay vốn đại diện cho một số hội viên nông dân tại thôn 2 để thực hiện dự án này, với tổng số vốn thực hiện dự án là 943,6 triệu đồng. Trong đó vốn tự có của các hộ tham gia dự án là 443,6 triệu đồng và vốn vay 500 triệu đồng.

Sử dụng vốn vay đúng mục đích

Với tầm quan trọng của dự án vay vốn này, vào cuối tháng 2/2023 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh và huyện Tuy Phong đã tiến hành thẩm định Dự án trồng táo nhà lưới từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương với số tiền vốn 500 triệu đồng. Dự án này có sự tham gia của 10 hộ nông dân trồng táo trên địa bàn xã Phong Phú, trong đó ông Võ Ngọc Tân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú làm chủ dự án. Theo đó, thời gian thực hiện dự án là 24 tháng (từ tháng 2/2023 đến tháng 2/2025), lãi vốn vay 0,7%/tháng. Các hoạt động của dự án là sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư nhà lưới vào vườn táo để phòng ngừa dịch bệnh, bón phân theo quy trình. Qua đó nhằm tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao kinh nghiệm của dự án, từng bước nhân rộng diện tích cây táo trên địa bàn toàn xã.

z3774299090590_a9e16711ef9693814f7ba843e7030e42.jpg
Nông dân xã Phong Phú chăm sóc táo.

Quá trình triển khai, bà con sẽ được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật làm lưới chắn, chăm sóc bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Sau đó, địa phương sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ với sự có mặt của 10 hộ tham gia dự án và đông đảo nông dân địa phương để cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cây táo. Ngoài ra, nhóm duy trì chế độ họp, sinh hoạt 3 tháng/lần với các thành viên dự án để trao đổi, xây dựng nhân rộng mô hình và phong trào nông dân.

Dù mới triển khai dự án nên Hội Nông dân xã Phong Phú chưa nhận được vốn vay, nhưng địa phương đã dự toán hiệu quả kinh tế và dự kiến chi phí đầu tư sản xuất. Theo đó, tổng chi phí đầu tư 1 hộ/ 2.000m2/ 70 cây táo, với số vốn khoảng 94,36 triệu đồng, bao gồm chi phí đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Tính toán sau khi trả chi phí lãi vay, thu nhập của mỗi hộ tham gia dự án sau 2 năm đạt trên 65 triệu đồng. Quan trọng nữa là khi tham gia dự án, nông dân sẽ có đủ điều kiện sản xuất, gắn với chăn nuôi gia súc tại hộ gia đình để tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho một số hội viên nông dân.

Dựa vào tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp đầu tư phát triển cây táo, kỳ vọng dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân địa phương trong thời gian tới.

KIỀU HẰNG


(1) Bình luận
Bài liên quan
Tuy Phong: Làm thiệp gửi tặng du khách
Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia năm 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và kỷ niệm 40 năm tái lập huyện Tuy Phong (1/6/1983 – 1/6/2023), Huyện đoàn Tuy Phong đang triển khai Ngày hội “Mỗi đoàn viên, thanh niên, học sinh - Một tấm thiệp nghĩa tình”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Kỳ vọng từ dự án đầu tư chăm sóc táo trong nhà lưới