Dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường đang được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả của việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn đến trực tiếp UBND các cấp để được giải quyết thủ tục hành chính, nhất là khi phải xuất trình các giấy tờ, văn bản, tài liệu cá nhân thay vì chụp ảnh gửi đến cơ quan chức năng thông qua phần mềm. Ông Đinh Văn Thuận - Trưởng phường Tư pháp TP. Phan Thiết cho biết, chỉ riêng lĩnh vực hộ tịch, năm qua cả thành phố có 1.600 hồ sơ phải nộp trực tuyến, nhưng chỉ có 30 hồ sơ là nộp trực tuyến, còn lại là trực tiếp. 30 hồ sơ này phần lớn là công dân ở xa như TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau… trao đổi trực tiếp, hướng dẫn nộp trực tuyến.
Điều này cho thấy ở thành phố, nơi có điều kiện sống tốt, được tiếp cận với các dịch vụ tiện ích còn như vậy thì ở các vùng quê, miền núi xa xôi còn hơn thế. Mơ Loan – Cán bộ Tư pháp, hộ tịch xã vùng cao Phan Sơn chia sẻ, phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không sử dụng điện thoại cảm ứng nên không ai sử dụng dịch vụ công, người dân đến yêu cầu làm gì, cán bộ Tư pháp cũng như cán bộ xã làm cho cái nấy.
Có thể nói, việc thúc đẩy hiện đại hóa nền hành chính với số lượng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng được coi là một bước tiến vượt bậc và xu hướng tất yếu trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay ở TP. Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp phường, xã hứa hẹn sẽ đem đến lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cả chính quyền. Đây được coi là khâu then chốt trong tiến trình cải cách hành chính với đích hướng đến là giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại; tránh được tình trạng cán bộ công chức quan liêu, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ và giúp tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc đặt ra những chỉ tiêu thi đua để tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến lại gây ra rất nhiều phiền hà và khó khăn cho một nhóm đối tượng có trình độ học vấn thấp, những đối tượng còn khó khăn về kinh tế…
Bà Trần Thị Phi Phụng – Cán bộ Tư pháp, Hộ tịch phường Phú Hài thẳng thắn thông tin tại Hội thảo về kết quả rà soát và giải pháp xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát phục vụ triển khai Đề án 06 tại Bình Thuận do Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp tổ chức mới đây rằng: “Hầu như người dân phường chúng tôi đều mang hồ sơ đến làm trực tiếp, nghĩa là không tự làm được. Chúng tôi phải cử đoàn viên thanh niên giúp dân, có người dân hiện còn đang sử dụng điện thoại “cục gạch” họ đa phần là lao động biển, trình độ không cao nên không thể một sớm một chiều sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng”.
Ông Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp ghi nhận nỗi khó khăn của cán bộ, công chức hiện nay, bởi khối lượng công việc lớn trong khi nhân lực mỏng. Ông nêu tình trạng này không riêng Bình Thuận mà nhiều tỉnh, thành khác cũng đang gặp khó, cán bộ, công chức rất áp lực với công việc. Tuy nhiên không vì thế mà lùi bước, chúng ta cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu người dân hiểu rõ hơn về quy trình thực hiện TTHC trực tuyến, những lợi ích của việc thực hiện TTHC trực tuyến (giảm phí lệ phí đối với những thủ tục thuộc danh mục giảm phí khi thực hiện online, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại...); Hướng dẫn người dân đăng ký, tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Cổng dịch vụ công của tỉnh, giúp người dân tìm hiểu, tra cứu TTHC trực tuyến; Hỗ trợ người dân nộp hồ sơ và thanh toán phí lệ phí trực tuyến trên cổng dịch vụ công, để người dân dần dần quen với việc nộp hồ sơ trực tuyến, từ đó có thể tự thực hiện tại nhà cho những lần tiếp theo mà không phải liên hệ trực tiếp sẽ mất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Quốc Thắng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Sở Tư pháp đang rất quan tâm đến vấn đề này và đề nghị các cán bộ, công chức ở các phòng, ban có liên quan tăng cường chú trọng tuyên truyền xuống cơ sở để góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.