Theo dõi trên

“Điểm sáng” phòng, chống sốt rét

25/08/2023, 06:03

Từ năm 2022 đến nay, các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bắc Bình không ghi nhận ca mắc bệnh sốt rét (SR).

20 tháng không có ca mắc sốt rét

4 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bắc Bình như Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, Phan Điền được xếp vào vùng SR lưu hành nặng. Cũng là nơi mà người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy ở lại qua đêm; những người đi làm ăn theo thời vụ từ vùng không có SR, vùng SR lưu hành nhẹ đến vùng SR lưu hành vừa và nặng, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền bùng phát thành dịch. Trong đó, 2 xã trọng điểm SR là Phan Sơn, Phan Tiến có nguy cơ xảy ra dịch ở mức độ cấp xã, thôn. Tuy nhiên, từ tháng 1/2022 đến nay là 20 tháng, các xã trên chưa ghi nhận bất cứ ca mắc bệnh SR. Đây là điểm sáng trong công tác phòng chống bệnh SR ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Bình.

kem-xua-muoi.jpg
Người dân tộc thiểu số ở Bắc Bình nhận kem xua muỗi phòng chống bệnh sốt rét

Bác sĩ Huỳnh Văn Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Bình cho biết: Mùa lan truyền sốt rét chủ yếu vào mùa mưa, từ tháng 6 - 11 hàng năm. Số ca mắc giảm rõ rệt, nhiều tháng không ghi nhận ca bệnh nhờ sự quan tâm của Sở Y tế, chính quyền địa phương, Viện SR - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Quy Nhơn và hoạt động của dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống SR cùng sự nỗ lực của nhân viên y tế bằng những việc làm cụ thể. Thường xuyên lấy lam máu tìm ký sinh trùng SR; giám sát, quản lý tốt ca bệnh; dự án RAI3E đã tài trợ màn, võng tẩm hóa chất tồn lưu lâu phủ khắp các xã thuộc vùng SR lưu hành nặng. Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống dịch bệnh người dân ngày càng nâng lên.

Truyền thông nâng cao nhận thức

Mặc dù tình hình sốt rét các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, nhưng còn nhiều yếu tố nguy cơ tiềm ẩn. Bởi đời sống người dân các xã trên còn nhiều khó khăn, di dân tự do không kiểm soát được, di biến động dân số từ các tỉnh khác đến; giữa các địa phương trong tỉnh từ vùng không còn sốt rét lưu hành vào vùng sốt rét lưu hành để khai thác lâm sản. Những khó khăn ảnh hưởng rất lớn đối với công tác phòng chống và loại trừ SR hiện nay là khó khăn trong việc giám sát, quản lý nhóm người di biến động. Tập quán làm rừng, nương rẫy ngủ lại qua đêm thường có tỷ lệ sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân thấp ở nơi có SR lưu hành cao và ký sinh trùng kháng thuốc. Thời tiết thay đổi bất thường làm phục hồi muỗi truyền bệnh SR, kháng hóa chất của muỗi SR… Thêm vào đó, nguồn lực đầu tư cho chương trình phòng, chống và loại trừ SR hạn chế, giảm dần so với nhu cầu thực tế. Đó là chia sẻ của bác sĩ Lâm.

Để hướng tới việc loại trừ sốt rét theo lộ trình, ngành y tế và địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chẳng hạn, tuyên truyền trong cộng đồng; đảm bảo cung cấp kịp thời thuốc SR; giám sát, điều tra ca bệnh, ổ bệnh, các điểm nóng sốt rét tại các xã trọng điểm; kịp thời giám sát khống chế tình hình sốt rét tại các vùng biến động… Một trong những giải pháp trọng tâm là tập trung truyền thông cho nhóm nguy cơ cao, dân di biến động vào các khu vực có SR lưu hành nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh này. Theo bà Mơ Nga - người dân tại Phan Sơn (Bắc Bình), thông qua tuyên truyền về bệnh phòng chống SR, bà Nga nắm bắt, nhớ các biện pháp phòng, chống và sẽ truyền đạt, nhắc những người xung quanh. Ai đi rẫy làm rừng phải mang mùng, ngủ mùng. Nhà có người mắc bệnh sốt rét phải đi đến cơ sở y tế.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng bào có đạo sinh sống, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo một cách toàn diện góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Điểm sáng” phòng, chống sốt rét