Theo dõi trên

Đọc lại “Hỏi đáp Giáo dục Việt Nam”

17/11/2023, 06:24

Giữa rất nhiều những hoạt động rộn ràng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi lại dành cho mình chút thời gian đọc lại một số tập sách về nghề giáo. Tôi lần mở lại “Hỏi đáp Giáo dục Việt Nam”. Bộ sách gồm 2 tập, do tác giả, nhà báo - nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn, Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản trước đây.

Một vài nội dung của tập sách

Ở phần Lời nói đầu, tập 1, Nhà Xuất bản đã đưa ra quan điểm: “Trong bất cứ thời đại nào, muốn chọn lấy những người tài giỏi ra giúp nước thì không có phương thức nào tối ưu hơn việc chăm lo giáo dục cho toàn dân và tổ chức thi cử công bằng”.

upload_2023-7-27_15-52-40.png

“Hỏi đáp Giáo dục Việt Nam” được sắp xếp trên tinh thần: tiến trình phát triển của nền Giáo dục nước ta từ thời Bắc thuộc cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI. Tập 1 kết thúc ở thời điểm năm 1919. Đó là năm nhà Nguyễn tổ chức khoa thi Tiến sĩ cuối cùng, và chấm dứt chế độ khoa cử của nền giáo dục phong kiến Việt Nam. Tập 2, bắt đầu từ thời điểm thực dân Pháp sau khi xâm lược nước ta đã đặt chế độ giáo dục Pháp - Việt cho đến sau Cách mạng Tháng Tám, bắt đầu bước sang nền giáo dục mới.

Với cách sắp xếp nội dung trong 2 tập sách như vậy, bạn đọc dễ hình dung ra hai hệ thống giáo dục mà sự phân biệt có thể thấy ở chữ Hán và chữ Quốc ngữ là văn tự chính thức được dùng trong khoa cử.

Hai tập sách bao gồm 182 câu hỏi - đáp những nội dung khác nhau về Giáo dục Việt Nam. Tập 1: 90 câu, tập 2: 92 câu.

Tác giả tập sách đã rất dày công đọc lại những tài liệu cũ liên quan đến Giáo dục Việt Nam của rất nhiều người thuộc những thế hệ trước biên soạn. Cùng với đó, là việc sưu tầm những bức ảnh cũ, những bản vẽ minh họa cho hoạt động giáo dục ngày xưa, những trường thi, ảnh bìa những tập sách giáo khoa ngày trước, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với thầy trò Trường Chu Văn An năm 1958, ảnh các nhà giáo, nhà văn hóa tiêu biểu, ảnh hoạt động của học sinh, sinh viên Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau ở một số ngôi trường.

Người viết bài xin được lược trích một vài nội dung được hai tập sách đề cập:

1. Khoa thi đánh dấu khoa cử Việt Nam có mặt trong hệ thống giáo dục thời phong kiến: Đó là vào năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Nho học Tam trường đầu tiên để chọn những người thông minh, học rộng ra làm quan. Hệ thống thi cử bắt đầu có quy củ, nền nếp vào năm 1232 khi vua Trần Thái Tông cho tổ chức thi Thái học sinh, cho đậu Tam giáp. Từ năm 1239, nhà vua ấn định cứ 7 năm tổ chức một lần thi Hội.

2. Về nội dung tại sao người đi học thuở xưa được gọi là nhà Nho, tập sách đã có đoạn: “Nhà Văn hóa Phạm Quỳnh giải thích như sau: “Cái tên nhà Nho không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước…”.

3. Về những luật lệ thi cử thời phong kiến, tập sách đã có đề cập: “Ngày xưa, sĩ tử bước vào trường thi bị ràng buộc bởi những luật lệ nghiêm ngặt, hà khắc của “trường quy” - những quy định trong việc làm bài. Có thể kể một vài quy định: “Trọng húy” là không được dùng bất cứ chữ gì có dính dáng đến tên nhà vua; “khinh húy” là kiêng tên những người là bà của vua, mẹ vua, hay tiên tổ lâu đời của nhà vua. Nếu thí sinh phạm “khinh húy” thì bị đóng gông phơi nắng suốt mấy ngày liền và suốt đời bị cấm thi; phạm “trọng húy” thì chẳng những thí sinh bị tù tội mà đến cả những ông huấn, ông giáo, đốc học dạy dỗ họ cũng bị khiển trách giáng cấp”.

4. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông sai lập Văn Miếu ở Thăng Long. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông sai mở rộng Văn Miếu thành Quốc Tử Giám, cho hoàng tử và chọn các bậc đại quan vào dự học. Có thể xem đây là trường đại học đầu tiên của nước ta.

5. Về danh hiệu Trạng Nguyên: Năm 1232, vua Trần Thái Tông mở khoa thi Thái học sinh, chia các thí sinh trúng tuyển thành Tam giáp: Đệ nhất, Đệ nhị và Đệ tam giáp. Đến năm 1246, nhà Trần mở khoa thi Đại tỉ mới đặt lại thứ bậc trong Tam giáp: Bậc Đệ nhất giáp có Tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Trong khoa thi năm 1246 vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta là Nguyễn Quan Quang, người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh).

6. Khoa thi Nho học đầu tiên của nước ta là khoa Ất Mão (1075) dưới đời vua Lý Nhân Tông và khoa thi cuối cùng là khoa Kỷ Mùi (1919) dưới đời vua Khải Định. Như vậy chế độ khoa cử của nền giáo dục phong kiến Việt Nam trải qua 844 năm, tổng cộng có 185 khoa thi với 2.898 vị đỗ đại khoa, trong đó có 46 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn và 76 Thám hoa, 2462 Tiến sĩ và 266 Phó bảng.

7. Bộ sách giáo khoa Quốc văn nổi tiếng được sử dụng thống nhất ở các trường học Việt Nam thời Pháp thuộc trong suốt các năm nửa đầu thế kỷ XX là bộ Quốc văn giáo khoa thư, do các nhà giáo Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận biên soạn theo sự phân công của Nha học chính Đông Pháp.

8. Một trong những sự kiện quan trọng, đáng chú ý trong nền giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc là sự ra đời và hoạt động của Hội Truyền bá Quốc ngữ, trước tiên là tại Hà Nội, vào năm 1938. Mục đích của Hội là dạy cho người dân biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Lúc mới thành lập, Ban trị sự lâm thời của hội gồm các ông: Nguyễn Văn Tố (Chánh Hội trưởng), Bùi Kỷ (Phó Hội trưởng), Phan Thanh (Thư ký) cùng một số thành viên khác. Ảnh hưởng của Hội truyền bá Quốc ngữ đã lan rộng nhiều tỉnh ở miền Bắc và đến cả Trung kỳ, Nam kỳ.

9. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc ta, đã rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm học 1945 - 1946, Người đã viết thư gởi cho học sinh cả nước. Và ngày 15/10/1968, trong lá thư cuối cùng gởi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp khai giảng năm học 1968 - 1969, Người khẳng định: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó, các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.

10. Ngày 26/4/1986, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/HĐBT về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Danh hiệu cao quý này được xét và công bố hai năm một lần vào ngày 20/11.

Ngày 19/5/1995, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 1707/GD-ĐT về việc ban hành huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, được tiến hành hằng năm để ghi nhận công lao của những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

11. Về việc tổ chức ngày 20/11 tại Việt Nam, tập sách đã cung cấp: Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức ở miền Bắc nước ta; sau đó, được tổ chức ở các vùng giải phóng miền Nam. Từ khi đất nước thống nhất, ngày 20/11 được tổ chức rộng rãi và dần trở thành truyền thống đáng quý để tôn vinh nhà giáo. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 167/HĐBT, hằng năm lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cùng rất nhiều những thông tin khác về giáo dục và đào tạo chứa đựng trong tập sách.

Đôi điều đọng lại

Đọc lại “Hỏi đáp Giáo dục Việt Nam” do nhà báo - nhà thơ Lê Minh Quốc biên soạn, độc giả có được một cái nhìn khái quát hệ thống về giáo dục Việt Nam, từ thời phong kiến đến những năm sau Cách mạng Tháng Tám, rồi sau ngày đất nước thống nhất đến đầu thế kỷ XXI. Từ đây, bạn đọc thấy được phần nào những thành quả của sự nghiệp giáo dục Việt Nam trải qua chiều dài lịch sử.

Trên tất cả, vẫn là đông đảo người học, ở mọi lứa tuổi, coi trọng việc học, đi kèm với thực hành, để từ đó, làm việc trong suốt nhiều năm, lo cho mình và giúp cho đời.

Giáo dục luôn là sự nghiệp trọng đại của đất nước. Bởi thế, mọi gia đình Việt vẫn luôn mong những người có trách nhiệm với sự nghiệp này, ở các cương vị khác nhau, từ người quản lý ở các cấp, đến những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy học sinh - sinh viên, đặt tấm lòng của mình vào công việc, làm việc thật sự hiệu quả để các thế hệ học sinh - sinh viên được hưởng thụ một nền giáo dục tốt nhất, thu nhận được những kiến thức khoa học nhất, áp dụng được những điều đã học từ các nhà trường vào cuộc sống một cách hữu dụng theo đà phát triển của xã hội.

MINH TRÍ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cảm ơn thầy!
Tháng 11 lại về kéo theo hơi gió lạnh. Bấc nổi báo hiệu đông về. Không biết do sự đổi thay của tiết trời làm lòng người bâng khuâng hay tại vì sắp đến ngày lễ tri ân thầy cô mà tâm hồn xao động nữa.
Nổi bật
 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp phiên thứ 15
BTO-Chiều 13/12, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì phiên họp thứ 15 nhằm đánh giá tình hình, kết quả hoạt động năm 2024 và xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự có đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các thành viên trong Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc lại “Hỏi đáp Giáo dục Việt Nam”