Tập sách là sự tuyển chọn các bài viết, bài phát biểu tại Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu, xác minh giá trị di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sống và dạy học ở Phan Thiết, Bình Thuận từ cuối 1910 đến đầu 1911” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận tổ chức tháng 4/2010. Tôi có dịp hồi tưởng những tác phẩm chính thống về Bác đã đọc trước đây và có cả những cảm nhận từ tập sách này mang lại.
Phần thứ nhất có tiêu đề “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sống và dạy học ở Trường Dục Thanh Phan Thiết (từ tháng 9 năm 1910 đến tháng 2 năm 1911). Phần này đã cung cấp những thông tin hữu ích: “Bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Bình Thuận có thể được xem như một vùng đất bản lề làm ranh giới giữa đất Nam kỳ thuộc Pháp và Trung kỳ thuộc triều đình Huế”, “Bình Thuận sớm trở thành mảnh đất tụ nghĩa, quy tụ dòng người đông đảo từ Nam ra, từ Trung vào… Đầu thế kỷ XX, Bình Thuận càng thể hiện rõ nét là nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước, đặc biệt là phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng”. “Các ông Trương Gia Mô, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh… là những hạt nhân gây dựng phong trào Duy Tân ở Bình Thuận. Các ông đã vận động để thành lập “Liên Thành thương quán”, “Liên Thành thơ xã” và “Dục Thanh học hiệu” (tức Trường Dục Thanh)”. Năm 1907, Trường Dục Thanh được xây dựng trong khu đất nhà tự của cụ Lội và cụ Anh (là hai người con của nhà thơ, nhà văn yêu nước, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thông). Mục đích thành lập trường nhằm giáo dục thanh thiếu niên.
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết, dạy học tại Trường Dục Thanh từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911, theo sự giới thiệu của cụ Trương Gia Mô. Thầy Thành dạy thể dục, chữ Quốc Ngữ, chữ Hán. Trong thời gian dạy học tại Trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã để lại dấu ấn sâu sắc, tốt đẹp với người dân Bình Thuận qua phong cách sống và làm việc của mình.
Khu di tích Dục Thanh được khởi công trùng tu và khôi phục lại vào tháng 11/1978, khánh thành năm 1980; đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia từ năm 1986. Việc trùng tu, phục chế Khu di tích Dục Thanh đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ, nhân dân tỉnh Thuận Hải đối với Bác Hồ kính yêu; đồng thời cũng đáp ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập, bày tỏ lòng thành kính đối với Người.
Phần thứ hai của tập sách có tiêu đề “Về với Dục Thanh, về với Bác”. Tập hợp những bài phát biểu được chọn lọc tại hội thảo, cùng một số tác phẩm thơ, nhạc viết về Bác. Có bài của Tiến sĩ Trần Thị Mạo, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, những bài của cán bộ lãnh đạo, chuyên môn của Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, bài viết của nhà thơ Đỗ Quang Vinh. Có ý kiến phát biểu của Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Đồng Tháp, tham gia tại hội thảo, trong đó có ý: “Khu di tích Dục Thanh là loại hình lưu niệm sinh hoạt đời sống và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận là loại bảo tàng lưu niệm tiểu sử (toàn bộ tiểu sử). Với 2 loại hình này, cách trưng bày và tuyên truyền giáo dục cũng khác nhau”.
Về phần những tác phẩm thơ – nhạc: Phần thơ có 13 bài của những tác giả: Giang Nam, Bảo Định Giang, Nam Hà, Hoàng Trung Thông, Thu Lâm, Phan Minh Đạo, Phan Bình, Lê Nguyên Ngữ, Cảnh Trà, Đỗ Quang Vinh, Nguyễn Như Mây, Xuân Thiêm, Ngọc Bái. Phần nhạc có 5 nhạc phẩm của các nhạc sĩ Huy Sô, Vy Nhật Tảo, Đức An, Hoài Sơn, Đỗ Quang Vinh.
Phần thứ ba, có bài viết của nhà báo Đặng Dũng “Vào cõi Bác xưa”. Trong đó, có đoạn tác giả ghi lại lời của ông Nguyễn Văn Quỳ, thời điểm phỏng vấn là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận: “Chúng tôi đã và đang học Bác, làm theo đạo đức của Bác, bằng những công việc cụ thể, đơn giản hàng ngày… Công việc thầm lặng của những người làm bảo tàng là nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ hiện vật, dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để phục vụ nhân dân hiểu rõ về cuộc đời cao đẹp của Người, nhất là quãng thời gian Người dạy học ở đây”.
Bao hoạt động có ý nghĩa của nhân dân trong và ngoài tỉnh được tổ chức trong nhiều chục năm qua ở Khu di tích Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, để hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành và mái Trường Dục Thanh mãi mãi in đậm trong tâm trí của mọi người dân Việt Nam, trong đó có người dân Bình Thuận.
Người viết xin được ghi lại đôi dòng thơ rất đẹp, tràn đầy tình cảm kính yêu, mãi biết ơn Bác Hồ của nhà thơ Lê Nguyên Ngữ, thay cho lời kết của bài: “Khu di tích con vào/Ve đã gọi hè sang/Mừng sinh nhật Thầy, phượng dâng ngàn cánh đỏ./Lớp tuổi chúng con như học trò ngoại khóa/Bài vỡ lòng đầu tiên/Là mãi mãi nhớ ơn Người./Con gọi thầm trong lớp: “Bác Hồ ơi!”.
(Trích “Thăm Di tích, nơi Trường xưa Bác dạy”).