“Đò ơi, đò ơi”… tiếng kêu ấy phải mở hết thanh quản, hai bàn tay chụm lại đưa lên miệng làm cái loa hướng về phía bên kia sông mới đưa được tiếng kêu “đò ơi… đò ơi”… đến chỗ bến đợi.
Tôi không dùng từ “gọi đò” mà là “kêu đò”, vì “gọi” có vẻ ra lệnh quá, vì ai đã từng qua sông mà không khỏi “lụy đò!”. “Kêu” là muốn nhờ vả, quá giang, dù rằng qua đò thì phải trả tiền, tôi ngày ấy là đứa con nít, nên thường đi đò qua sông không mất tiền. Tôi cũng “láo” lắm, nhe răng cười trừ! Có đôi khi ông lão chèo đò vỗ đầu tôi và mắng yêu: “Mồ tổ, nếu có đòi, mày cũng lấy tiền đâu mà trả?”.
Âm thanh của tiếng kêu đò, nếu nhằm vào những đêm thanh vắng, tối trời nghe nó não nùng, có đôi khi nhờ gió đưa tiếng kêu qua sông nghe có lẫn một chút ma quái, âm thanh của tiếng kêu đò giữa bốn bề sông nước dễ gợi lên nỗi sợ của những người yếu bóng vía. Con sông về đêm hình như hiền hơn, êm đềm hơn, những đốm “lân tinh” làm mặt sông nhem nhém sáng, mé nước hai bên bờ chao nhẹ vào gốc bần, rễ đước nghe tanh tách làm những con chim ăn đêm giật mình bay vội.
Cuộc đời này cũng có nhiều tiếng kêu: kêu thầm, kêu thương, kêu gọi, kêu gào, kêu cứu… Nhưng nghiệt ngã thay có không ít người lại dửng dưng trước những tiếng kêu ấy. Thời niên thiếu, tôi đã từng đi qua nhiều lần trên con sông này, đây là con sông nhỏ, nhưng gặp nước lớn thì phải kêu đò qua sông thôi, còn nước ròng thì có thể lội qua. Tôi đã từng cởi quần lội qua… tìm chỗ vắng không người, đứng chờ ráo nước, rồi mặc quần đi tiếp. Lội qua sông mà không ướt quần, thế mới tài!
“Đò ơi, đò ơi”…! Đây là tiếng kêu theo thói quen lâu đời hay ẩn chứa điều gì bên trong tiếng kêu ấy? Tại sao không kêu: “Đò ơi… đò”!
Thú vị biết bao, nếu ta chịu khó để ý đến cái “triết lý” của những người kêu đò: “Đò ơi, đò ơi”…! Là chưa xác định, là trong trạng thái chờ đợi, nhưng đợi chờ trong hy vọng, vì nếu có sẵn đò rồi thì đâu cần phải kêu có chữ “Đò” (Đò ơi… đò ơi… Đò !”.
Nhớ tiếng kêu đò, làm tôi nhớ một thời sông nước. Ông cha chúng ta cũng biết chọn nơi nào có sông là kéo dân đến dựng nhà, rồi tổ chức làng xã, vì họ biết nơi nào có nước là có sự sống. Quê tôi có những con sông nhỏ lại nằm gần biển, cho nên tất cả nước sông đều đổ ra biển, bù lại những ngày nước biển lớn dâng nước tràn sông, đò không dám đưa. Hình như quê tôi “ngăn sông cấm chợ” cũng xuất hiện từ cái thời “nước lớn” này.
Quê tôi, có con sông nhỏ, cái xóm cũng nhỏ, tất cả đều nhỏ… Vậy mà đã làm lớn lên những con người lao động chân tay, cũng như ông lão chèo đò đây, trả công cho ông bao nhiêu cũng được, không trả cũng không sao, ông chưa bao giờ ngửa tay xin ai một đồng bạc nào.
Ngày xưa tôi “nợ” ông những chuyến đò, có lần biết tôi qua sông để đi học, ông nói với tôi: “Đời ông vì chiến tranh mất mát nhiều quá”, không vợ không con, còn bà con thấy ông nghèo quá cũng không nỡ làm lơ những đồng bạc lẻ, ông sống nhờ mấy con cua con cá giăng lưới cắm câu, đổi gạo. Ông không cần tiền, cháu thử nghĩ, nếu mai này không còn ai kêu đò nữa, thì ông sống với ai.
Chiếc xuồng nhỏ, cột cây chèo nhỏ trên con sông nhỏ, và ông chèo đò cũng nhỏ, nhịp nhàng khuấy nước… Con sông này nếu một ngày thấy vắng ông, người ta có cảm tưởng con sông hình như thiếu một cái gì đó như con sông không có nước, mà sông không có nước thì đâu còn gọi là… sông?
Trở lại con sông này, tất cả đã đổi thay! Con sông vì thiếu nước nguồn nên sông đã cạn (con sông này đã cạn, đây là điều khủng khiếp đối với tôi). Tôi đứng bờ bên này (cầm trên tay món quà nhỏ là mấy bao thuốc lá để biếu ông) cái nơi mà ngày xưa tôi đứng để “kêu đò”, dõi mắt tìm ông lão chèo đò của những ngày chiến tranh.
Nơi đây, bây giờ chỉ còn là những bờ cát, có một vài chiếc ghe mục nát nằm trơ đáy, đàn vịt thấy tôi, chúng cạp cạp chạy xuống vũng nước sông. Không biết giờ này ông còn hay đã mất? Nếu còn sống chắc ông cũng còn chèo, nhưng không phải chèo ở dòng sông, mà chèo ở dòng đời…