Theo dõi trên

Đông Tiến: Thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

11/11/2024, 05:23

Thời gian qua, xã Đông Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc) đã tập trung thực hiện quyết liệt công tác giảm nghèo thông qua triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, mô hình thiết thực. Qua đó, tạo động lực quan trọng góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Kết quả tích cực

Ông K’ Văn Góa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Tiến cho biết: “Thời gian qua, UBND xã đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ để những hộ nghèo, cận nghèo sớm được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo thiết thực như hỗ trợ phương tiện, nguồn vốn, cây con giống... giúp đồng bào phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững”. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất, xã Đông Tiến từng bước xác định được 3 con nuôi phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương là chăn nuôi bò, dê, heo. Trong đó, lồng ghép các nguồn vốn như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, vốn nông thôn mới đã hỗ trợ xây dựng nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó, các mô hình như chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo đen... đạt hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ nghèo có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

e2a293f3-e308-43e0-8189-68ee01b95376.jpeg
Mô hình nuôi heo đen

Cùng với đó, 3 cây trồng chủ lực là điều, bắp, lúa gắn với quản lý bảo vệ rừng đã góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào. Ngoài ra, diện tích các loại cây trồng khác như cây mía, cây bưởi, cây mít, sầu riêng… ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ được mở ra, nhất là từ khi xã xây dựng được chợ. Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự chung sức, đồng lòng của người dân. Đến đầu năm 2024, xã Đông Tiến được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, đây cũng là xã đầu tiên thuộc vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

3a1d3090-a340-4a5d-b42c-b735c3cd1dbb.jpeg
Cơ sở kết cấu hạ tầng xã Đông Tiến được đầu tư.

Bên cạnh đó, nhờ ngân sách của huyện trợ cấp và các nguồn vốn từ các chương trình, nhất là Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững và dự án của Trung ương đã tạo điều kiện cho xã đầu tư cơ sở kết cấu hạ tầng như đường bê tông xi măng, kênh mương, giao thông nội đồng... Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đặc biệt, đến nay có đầy đủ các cấp học, 100% trường học được kiên cố hóa với đầy đủ trang thiết bị dạy và học, đạt chuẩn tiêu chí 5 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm suy dinh dưỡng, góp phần giữ chuẩn y tế quốc gia nhiều năm liền. Đặc biệt là xã rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đến nay xã đã có Nhà bia ghi danh liệt sĩ xã, thôn có Nhà văn hóa; các khu vui chơi, giải trí được hình thành. “Bằng các giải pháp tích cực đã giúp xã Đông Tiến đạt được những thành tựu nổi bật về công tác xóa đói giảm nghèo. Từ chỗ đa số hộ dân thiếu đói quanh năm, đến nay xã không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 4,47%. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên trên 47 triệu đồng/người/năm”, ông Góa cho biết.

1e890d55-dfcc-48fe-b8ff-ebb10baf891b.jpeg
Chất lượng giáo dục được nâng lên

Các giải pháp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện một số hộ nghèo trên địa bàn xã chưa có ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống, vẫn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách. Mặt khác, chưa phát huy tốt tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế xã nhà nhanh, bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng nhiều loại cây trồng còn thấp. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch còn khó khăn, chưa tạo được nền tảng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác...

Để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả cao, trong thời gian tới xã Đông Tiến tiếp tục xây dựng đề án, kế hoạch triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo đúng quy định, để giúp họ sớm được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện các mô hình giảm nghèo phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nâng cao ý thức tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, triển khai các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, các mô hình giảm nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được UBND huyện phê duyệt. Đồng thời, củng cố, nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng thu nhập cho nhân dân...

 

Đông Tiến là xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số K’ho, toàn xã có 2 thôn với 1.121/337 hộ. Hiện toàn xã còn 9 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đông Giang: Chăm lo, tạo sinh kế giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
Đa dạng hóa sinh kế và tăng cường các chính sách hỗ trợ, đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc).
Nổi bật
Thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội
Quốc hội khóa XV vừa họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 vào chiều 30/11. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin của kỳ họp, đồng thời theo dõi hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông Tiến: Thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững