Hàng ngày, ngoại nấu cơm, giặt quần áo, sửa soạn sách vở cho anh em chúng tôi đến trường. Ngoại còn là người đã mang đến cho tôi sự sống lần thứ hai trên cuộc đời này. Cho đến giờ, trong trí nhớ tôi vẫn còn loáng thoáng hình ảnh những buổi chiều mùa đông năm 1981, lúc đó tôi chỉ mới 10 tuổi, tôi ngồi dựa vào lòng ngoại trên một bậc thềm của Trạm xá xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam). Tôi không thể bước đi vững vàng như một người bình thường vì một mụt hạch nằm sát đùi trong gần háng, ngày càng sưng to; lúc chạy chỗ này, lúc chạy chỗ khác làm tôi sốt mê man nhiều ngày liền. Thời đó căn bệnh của tôi được xem là bệnh hiểm nghèo, không có thuốc uống và trạm xá không có điều kiện, nên y tá không dám phẫu thuật. Tôi nhớ lúc đó ngoại đang đút cho tôi ăn từng muỗng cháo trắng với nước mắm. Và ngoại nghe ngóng nhiều người xung quanh, nghe thầy nào giỏi ngoại đều đưa tôi tới chữa bệnh. Theo ngoại “phước chủ may thầy”, và rồi một ông thầy lang nhà vườn đã dùng mũi sắt mài nhọn hơ nóng trên ngọn lửa đèn cồn rạch đùi tôi lấy ra rất nhiều mũ và máu bầm. Ông nói: “Dân gian gọi là huyết vận”, nếu không kịp thời ngăn chặn cục máu đông di chuyển về tim, lên động mạch phổi, gây thuyên tắc phổi… tử vong. Tôi ở nhà ông dưỡng bệnh 3 ngày, uống một vài thang thuốc bắc và tẩm bổ bằng cháo trắng với một ít thịt bằm, vậy mà tôi khỏe hẳn. Ba tôi đưa xe bò đến chở ngoại và tôi về nhà, từ đó chân tôi không còn đau nhứt gì nữa và khỏe mạnh “như trâu” cho đến ngày hôm nay.
Ngoại đã đi xa chúng tôi 20 mùa đông rồi, nhưng mỗi lần về thăm quê, nhìn những nơi ngoại đến như có dáng ngoại vừa đi qua. Những cây chổi, cây cuốc lúc còn sống ngoại thường dùng để quét nhà, làm cỏ… đến góc sân sau hè, luống rau, mớ cá, mớ tôm…; cùng với ánh mắt chăm chỉ và nụ cười trên môi của ngoại vẫn còn hiện hữu như xưa. Vừa làm, ngoại vừa nhắc nhở con cháu phải biết trân quý thành quả lao động của mình, đừng phí phạm bất cứ một thứ gì có thể dùng được từ gié lúa, củ khoai, trái bắp ngoài đồng khi thu hoạch phải cẩn thận, đừng để sót, uổng lắm. Đến những vật dụng trong nhà như cái chén, cái dao, cây chổi, tấm thớt… có bể, có mẻ hoặc lâu ngày đã cũ mà còn xài được ngoại vẫn cất giữ cẩn thận. Đời ngoại tôi cực khổ, sống qua hai cuộc chiến tranh, rồi ngoại trải qua những năm tháng đất nước vừa giành được độc lập, thống nhất hai miền Nam – Bắc nhưng đời sống còn cực khổ lắm. Vậy mà tôi chưa bao giờ nghe ngoại than nghèo, kể khổ. Ngoại luôn vui vẻ nhìn “con bầy, cháu đám” khôn lớn hàng ngày. Ngoại không biết chữ, nhưng nghe đứa nào học giỏi là ngoại khen, tặng quà cho; món quà của ngoại là một ít bột khoai nưa, bột khoai bình tinh hoặc khoai lang đỏ luộc sắt phơi khô do chính tay ngoại làm, với mong muốn con cháu thức khuya học bài khấy bột ăn hoặc lấy khoai lang khô nhai cho đỡ đói.
Ngoại rất thương tôi, vì tôi là đứa cháu lớn trong nhà, từ nhỏ đã biết giúp bà, giúp cha mẹ. Với ngoại, tôi là đứa con ngoan, trò giỏi; biết chăm lo cho các em học hành. Năm tôi 20 tuổi, khi nghe tin tôi đậu Đại học Đà Lạt, ngoại đã nở nụ cười hạnh phúc, bà dặn tôi: “Lớn rồi, học để có cái khôn với đời”. Xa dần vòng tay già nua của ngoại, hành trang tôi mang theo là tấm lòng yêu thương con cháu của bà; đức tính chịu thương chịu khó trong quãng đời gian nan, cơ cực; sống chan hòa không làm mích lòng hàng xóm xung quanh. Và niềm vui rất lớn của ngoại là con cháu trưởng thành. Ngoại tôi ra đi trong một chiều mùa đông đầu thập niên 2000, lúc ấy ngoại đã tròn 100 tuổi. Hôm nay, về quê giỗ ngoại, ngồi trước hiên nhà được ba mẹ sửa chữa khang trang hơn, lạ lẫm hơn, nhưng tôi vẫn thấy thật là quen thuộc từng bước chân của ngoại lên các bậc thềm. Nhìn di ảnh, tôi thấy ngoại mỉm cười làm tôi nhớ cái miệng bỏm bẻm khi ngoại nhai trầu. Tay thì chậm rãi bổ từng miếng cau; mùi nồng của trầu, mùi chát của cau, mùi cay cay của vôi, vị đắng của thuốc hòa quyện vào nhau làm cay nồng ánh mắt đứa cháu sống xa quê hương đã 30 năm trời, hơn 20 năm xa ngoại bỗng làm tôi chợt tỉnh cơn mê. Tôi giật mình, khi mẹ bảo: “Sáng mai về Đà Lạt con mang quà về cho các cháu gồm một vài cái bánh bò, bánh ít… là những món khi còn sống ngoại thường làm để cúng ông bà trong các dịp giỗ, tết. Tôi “dạ” và nhìn xa xăm trên bầu trời, nhìn khói bếp, chiều đông trời lạnh ở quê nhà mà lòng thấy ấm, sau bao năm sống tha hương da diết nhớ quê, nhớ ngoại.