Sở Công Thương cho biết, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đã có phương án tổ chức kinh doanh, gắn kết đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá cả ổn định. Qua đó vừa tạo nguồn hàng, vừa phát triển mạng lưới bán lẻ đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ bình ổn thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia gồm: Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận, Siêu thị Co.opmart Phan Thiết, Siêu thị Co.opmart La Gi, Siêu thị Co.opmart Phan Rí Cửa, Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan, Trung tâm Dịch vụ miền núi…
Được biết, tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường dịp tết này là gần 360 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho các nhóm hàng: Gạo tẻ, gạo nếp (7,5 tỷ đồng), sản phẩm ăn liền (33 tỷ đồng), đường ăn các loại (5,4 tỷ đồng), dầu ăn (12,6 tỷ đồng) thịt gia súc - gia cầm (gần 29 tỷ đồng), sữa các loại (16,7 tỷ đồng), rau củ quả (14 tỷ đồng). Ngoài ra còn có thực phẩm chế biến (77,5 tỷ đồng), bánh - mứt - kẹo - gói quà chưng tết (hơn 121 tỷ đồng), nước mắm - nước tương (4,5 tỷ đồng), bột ngọt - hạt nêm (7,2 tỷ đồng), nước giải khát - nước uống đóng chai (24,4 tỷ đồng) và một số mặt hàng khác như trứng gia cầm, gia vị, muối ăn... (với giá trị hơn 4 tỷ đồng).
Để tạo điều kiện về nguồn vốn, UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh quan tâm cân đối nguồn vốn cho vay đối với đơn vị tham gia chương trình bình ổn với mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay kinh doanh cùng thời điểm. Hoặc có hạn mức tín dụng, mức lãi suất cho vay phù hợp dành cho các doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước - trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng thủ tục vay vốn cũng như đảm bảo giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp tham gia chương trình…
Cũng nhằm tổ chức thực hiện tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tết, Sở Công Thương sẽ thường xuyên đôn đốc việc thực hiện của doanh nghiệp. Hướng đến bảo đảm đủ hàng hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó chú ý đối với mặt hàng thịt gia súc - gia cầm để phục vụ nhân dân với giá hợp lý, ổn định. Ngoài ra tăng cường phối hợp cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về giá bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá để đảm bảo quyền lợi mua sắm của người dân. Mặt khác còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa bảo đảm đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp trước - trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Thực hiện kế hoạch này, Sở Công Thương cũng chủ động làm việc và triển khai đến những đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ tết đảm bảo giá bán các mặt hàng bình ổn phải thấp hơn từ 5 - 10% so giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo hàng hóa phục vụ tại thị trường địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và huyện đảo Phú Quý…