Điểm giao dịch xã mô hình hoạt động gần dân.
Chúng tôi có mặt trong một phiên giao dịch cố định hàng tháng tại ĐGD xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, nơi nằm cách xa trung tâm huyện khoảng 30 km. Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách. Sông Bình có 4 thôn với 1.472 hộ, trong đó có 507 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Hoa, Ngái… Dân cư nơi đây sống không tập trung, từ khi có ĐGD xã, người dân có nhu cầu vay vốn không cần ra huyện, thủ tục đơn giản.
Từ nguồn vốn tích lũy cộng với vốn chính sách ông Long trông cây ăn trái hiệu quả.
Thông qua Hội Cựu chiến binh xã Sông Bình, năm 2018, hộ ông Huỳnh Văn Long ở thôn Tân Sơn tiếp cận vốn vay của NHCSXH đầu tư phát triển cây ăn trái cho hiệu quả. Sau 4 năm vay vốn, ông Long đã trồng được 1.000 gốc xoài Đài Loan, 500 gốc mít siêu sớm cho doanh thu gần 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Long chia sẻ: “Cán bộ ngân hàng về tận xã thực hiện giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Mọi thủ tục vay vốn, trả lãi, gốc đến hạn đều được thực hiện nhanh gọn”. Theo đánh giá của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Bình, mô hình ĐGD xã đã và đang duy trì tốt, thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn cũng như doanh số thu hồi nợ, thu lãi nên các chương trình cho vay của Phòng Giao dịch được thực hiện nhanh chóng, kịp thời hơn.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh tổ chức 124 ĐGD tại 124 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, các ĐGD được bố trí ngay trong khuôn viên UBND cấp xã, thực hiện giao dịch vào 1 ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật).
Bà Võ Thị Minh Thảo – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh khẳng định: Mô hình ĐGD xã chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng của NHCSXH. Mô hình này vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ Ngân hàng với phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn, là nơi để Ngân hàng, Chính quyền địa phương, tổ chức CT-XH, Tổ TK&VV đồng hành cùng người vay, quản lý hiệu quả vốn vay.
Thời gian qua, hoạt động của ĐGD xã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thực tiễn hoạt động đã khẳng định ĐGD xã là mô hình hoạt động gần dân và đã trở thành điểm sáng trong hoạt động ngân hàng, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của NHCSXH.