Theo dõi trên

Đức Linh hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao

08/09/2023, 05:32

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế từng vùng là hướng phát triển kinh tế mới của nông dân huyện Đức Linh những năm gần đây. Thành công của các mô hình kinh tế đã góp phần quan trọng trong cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đẩy nhanh quá trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Đức Linh là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, cùng với Đảng ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân huyện đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, phù hợp với điều kiện canh tác từng vùng của huyện miền núi. Trong đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa, một số cây trồng khác, giảm diện tích cây điều kém hiệu quả, phát triển mở rộng vùng trồng với cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi, xoài, mít, các loại rau trong nhà lưới tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mã số vùng trồng, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.

duc-linh-1.jpg
Ông Tám chăm sóc vườn cây sầu riêng đang phát triển xanh tốt của gia đình.

Gia đình ông Lê Văn Tám ở xã Sùng Nhơn là một trong hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ cây tiêu kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng. Ông Tám cho biết: Trước đây gia đình ông trồng cây tiêu nhưng sau thời gian thấy cây tiêu thường xuyên bị bệnh dịch, giá thành không ổn định nên gia đình chuyển sang trồng cây sầu riêng theo hướng VietGAP. Hiện gia đình trồng khoảng 3 ha sầu riêng, trong đó có 2 ha sầu riêng trồng được 2 năm, còn lại là 1 năm với các giống sầu riêng Thái và Musang King của Malaysia. Với đặc thù là khu vực ven núi, khí hậu, thổ nhưỡng hợp với cây sầu riêng, trong khi đó cây sầu riêng là giống cây phát triển nhanh từ năm thứ 4 là có thể thu hoạch trái bói, đến năm thứ 5, 6, 7… và tiếp tục nhân rộng sản lượng lên 1 cây từ 50 kg đến 2 tạ, 4 tạ… nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

duc-linh-2.jpg
Mô hình trông cây lúa nếp mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Đặng Hùng Dũng và nhiều nông dân xã Nam Chính.

Còn gia đình ông Đặng Hùng Dũng ở xã Nam Chính với hơn 40 năm gắn bó cây lúa đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa nếp chất lượng cao. Ông Dũng chia sẻ: Bắt đầu từ năm 2015 khi anh Nguyễn Trọng Nghĩa (lúc đó là nông dân tự đi kiếm giống mới về trồng, sau thành công rồi nhân rộng ra cho bà con và thành lập hợp tác xã Công Thành) mang giống lúa nếp mới từ Long An về, tôi đã thử nghiệm trồng 2 ha cho thấy giống lúa nếp này dễ chăm bón, ít sâu bệnh, năng suất cao nên đã nhân rộng lên 3 ha. Khi thấy giống lúa nếp mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng. Trong vụ đông xuân vừa qua, gia đình tôi thu được bình quân 80 tạ đến 1 tấn/ha.

Hiện huyện Đức Linh đã phát triển các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, sạch hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap được gần 100 ha lúa; 2 ha ớt, 11 ha mít Thái lá bàng; 110 ha sen; 2.200m2 rau ăn lá; 1.890m2 sàn nuôi dê; 300m2 sàn nuôi bò.

Theo ông Lê Ngọc Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh, với định hướng phát triển nông nghiệp, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên toàn huyện. Trong đó tập trung quy hoạch các vùng trồng cây chuyên canh theo hướng chất lượng cao. Thời gian qua Hội Nông dân đã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững. Từ đó, đã xuất hiện nhiều vùng trồng lúa chất lượng cao, sầu riêng và một số cây trồng mới như khoai lang nhật, củ sắn (đậu), tre tứ quý, chuối cấy mô… Các mô hình này hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng trước đây khiến bà con nông dân rất phấn khởi.

Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới, huyện Đức Linh tiếp tục thực hiện đẩy mạnh triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Để đạt kết quả đó, Hội Nông dân huyện sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng giữa các doanh nghiệp với nông dân; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp…

PHẠM NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nông nghiệp công nghệ cao - xung lực mới cho phát triển
 BT- Từ trước đến nay, nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, đến thời điểm này ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức là năng suất, sản lượng của các nông sản chủ lực đã tới hạn, cùng với đó là yêu cầu cấp bách về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu thiếu kiểm soát, công nghệ sau thu hoạch yếu kém nên sản phẩm chất lượng thấp. Do vậy, Việt Nam đã ở vào tình thế buộc phải đầu tư sâu rộng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để giải quyết những khó khăn trên.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Linh hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao