Theo dõi trên

Đừng phó thác con cho nhà trường

04/03/2022, 07:23

Theo quy định mới về việc đánh giá học sinh tiểu học hiện nay, có sự tham gia của phụ huynh học sinh. Nhưng trên thực tế giảng dạy, vai trò của phụ huynh trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm ở quê tôi, còn quá mờ nhạt. Phần lớn ba mẹ các em, phó thác việc học, việc giáo dục đạo đức học sinh cho nhà trường. Vì vậy, giáo viên đã gặp không ít khó khăn trong công tác dạy học và chủ nhiệm của mình.

Nhiều ba mẹ thường rời nhà từ 2, 3 giờ sáng và trở về nhà cũng quá khuya. Các em đang trong độ tuổi tiểu học nhưng đã phải tự chăm sóc mình và chăm sóc em nhỏ mọi việc. Sáng dậy, có dăm chục ngàn đồng trên bàn đi ăn sáng, trưa học về không người quản lý và ra tiệm nét gần nhà chơi miệt mài, đôi khi quên cả ăn trưa. Một giờ về, xách vội chiếc cặp là tới trường. Tan học buổi chiều, tranh thủ lại tạt qua tiệm nét chơi tiếp, đến tối mới về. Nhiều em ăn cơm tối xong, mở truyền hình cáp xem miệt mài tới khuya, có em lại tập trung qua nhà hàng xóm, xem phim bộ nhiều tập. Rời trường về đến nhà, là quăng cặp vào một góc, không ôn bài, không soạn sách vở vì cũng chẳng ai nhắc nhở, kiểm tra. Ngày qua ngày vẫn thế…nếp sống sinh hoạt của một số trẻ vùng quê đã trở thành thói quen như vậy. Không được ngủ trưa, lên lớp, nhiều em ngồi gật gù nên việc tiếp thu bài cũng bị hạn chế. Chuyện các em không thuộc bảng nhân, bảng chia xảy ra thường xuyên, một số em lớp 1 (thuộc dạng tiếp thu chậm) học thuộc âm vần ngày hôm trước, nhưng không có sự ôn bài thêm ở nhà, hôm sau lên lớp, lại như mới. Nhiều em không soạn sách vở, đến lớp thiếu vở, thước, viết, bút chì và bút quên bơm mực, luôn là chuyện bình thường. Việc học đã vậy, đạo đức tác phong của các em cũng có nhiều chuyện đáng bàn. Nào chửi tục, nói bậy, ghép đôi vợ chồng bằng những ngôn từ không thể tưởng tượng nổi. Khi được hỏi nhiều em vô tư trả lời cô thầy: “Con bắt chước trong phim”. Thầy cô muốn trao đổi tình hình học tập và rèn luyện của các em trên trường để phụ huynh biết, cũng rất khó khăn khi mời được họ lên.

quyn9047-3508-1635354816.jpg
Ảnh minh họa.

Việc giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh đã tạo cho phụ huynh và các em tránh được áp lực học nhiều, gây căng thẳng nhưng không phải làm thêm bài tập, không có nghĩa là học sinh chỉ việc “sáng cắp cặp đi, chiều cắp cặp về”. Thực tế ở trên lớp, chỉ có một số em tiếp thu nhanh, học giỏi thì không cần phải ôn lại bài. Còn những học sinh tiếp thu chậm, làm bài còn sai nhiều, không thuộc bảng nhân chia, nếu không có sự chuẩn bị bài thêm cho các em từ phụ huynh sẽ gây khó khăn cho việc tiếp thu bài mới. Mỗi tối, phụ huynh cần kiểm tra vở của các con, xem cô lưu ý điều gì để giúp các con khắc phục. Cần tạo cho các con thói quen ôn bài đã học trên lớp, chuẩn bị bài cho giờ học hôm sau. Hầu hết các trường đang áp dụng phương pháp dạy học Vnen vào một số môn học, thì việc chuẩn bị bài trước của học sinh sẽ góp phần rất lớn trong việc tiếp thu kiến thức và hợp tác cùng bạn của các em.

Học sinh tiểu học còn nhỏ, các em đang ở độ tuổi ham ăn ham chơi nên ba mẹ cần phải gần gũi và quan tâm con nhiều hơn để uốn nắn, giúp đỡ các em trong mọi mặt.

PHAN TUYẾT


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận: 50 thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2021 -2022
Chiều 3/3, tại Trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, 50 thí sinh của tỉnh Bình Thuận tham dự Kỳ thi chọn Học sinh giỏi cấp Quốc gia THPT năm học 2021 – 2022 được nghe phổ biến quy chế thi.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng phó thác con cho nhà trường