Theo dõi trên

G20 không đạt được đồng thuận về xung đột Nga-Ukraine

26/02/2023, 06:57

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết "hầu hết các thành viên G20 phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine" nhưng thừa nhận một số quốc gia bắt đầu nhìn cuộc xung đột khác đi.

Là nước chủ tịch G20 năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mong muốn Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tập trung vào những công dân dễ bị tổn thương nhất bằng cách tạo ra một “chương trình nghị sự toàn diện” để giành lại niềm tin của thế giới.

g20-reuters.jpg
Quang cảnh phiên họp của các bộ trưởng tài chính G20.

“An ninh lương thực và năng lượng đã trở thành mối quan tâm lớn trên toàn thế giới. Ngay cả khả năng tài chính của nhiều quốc gia cũng bị đe dọa bởi mức nợ không bền vững. Niềm tin vào các tổ chức tài chính quốc tế đã bị xói mòn, một phần là do họ đã chậm cải cách. Chúng ta cũng đang chứng kiến căng thẳng địa chính trị gia tăng ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Có sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều xã hội đang phải gánh chịu hậu quả do giá cả tăng cao. Tôi mong rằng các cuộc thảo luận của G20 nên tập trung vào những công dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của G20 ngay từ đầu đã vướng vào những bất đồng, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine và việc tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Georgieva cho biết dù vẫn còn một số bất đồng, song tại phiên họp đầu tiên, các bên tham gia đã cam kết giải quyết bất đồng vì lợi ích của tất cả các nước.

Theo Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn, G20 cần tiến hành phân tích một cách công bằng, khách quan và chuyên sâu về nguyên nhân của vấn đề nợ toàn cầu nhằm đạt được giải pháp toàn diện và hiệu quả. Ông Lưu Côn cho rằng, các tổ chức tài chính quốc tế và các chủ nợ thương mại nên tuân theo nguyên tắc “hành động chung, chia sẻ gánh nặng công bằng” trong nỗ lực tái cấu trúc nợ.

Một bất đồng sâu sắc nữa có thể khiến Hội nghị Bộ trưởng G20 không ra được thông cao chung khi kết thúc trong ngày hôm nay, chính là cuộc xung đột Nga – Ukraine. Ấn Độ - quốc gia giữ chức chủ tịch G20 năm nay và có quan điểm trung lập về cuộc xung đột Nga – Ukraine, thúc giục cuộc họp tránh sử dụng từ “chiến tranh” trong bất kỳ tuyên bố nào. Tuy nhiên, điều này lại không được các nước phương Tây trong G20 chấp thuận.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire muốn thông cáo chung của hội nghị lên án về hành động của Nga tại Ukraine: “Hoặc là chúng tôi tuân theo thông cáo Bali hoặc Pháp sẽ phản đối bất kỳ thông cáo nào trong hội nghị bộ trưởng tài chính G20 - tôi không thể rõ ràng được hơn”.

Các nguồn ngoại giao cho biết, nếu không có một bất ngờ vào phút cuối, sự đồng thuận về thông cáo chung tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 khó có thể xảy ra và cuộc họp có khả năng kết thúc bằng một tuyên bố Chủ tịch của nước chủ nhà Ấn Độ.

Bên cạnh vấn đề Ukraine hay tái cơ cấu nợ, việc quản lý tiền điện tử là một lĩnh vực được nước chủ nhà Ấn Độ ưu tiên tại hội nghị lần này. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế đồng tình và cho rằng việc cấm tiền điện tử tư nhân có thể là một lựa chọn. Theo bà Georgieva, cần phân biệt giữa tiền điện tử của nhà nước vốn ổn định, với các tài sản điện tử mà tư nhân phát hành. Bà nhấn mạnh, “rất cần quản lý… nếu không sẽ là quá muộn”. Bà kêu gọi thảo luận khả năng cấm các tài sản này vì “chúng có thể đặt ra nguy cơ bất ổn tài chính”.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tai nạn máy bay tại Kazakhstan, ít nhất 4 người thiệt mạng
Ít nhất 4 thành viên thuộc Bộ Các tình huống khẩn cấp của Kazakhstan đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng xảy ra ngày 23/2.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
G20 không đạt được đồng thuận về xung đột Nga-Ukraine