Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm
Theo đại diện lãnh đạo huyện Bắc Bình, đào tạo nghề cho LĐNT và giải quyết việc làm là một trong những nội dung mang tính chiến lược quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, để công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện đạt kết quả tốt, hàng năm huyện chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LĐNT bằng các hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, đội ngũ tuyên truyền viên ở địa phương như cộng tác viên, tuyên truyền viên là Trưởng thôn, khu phố nên công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm được thường xuyên, sát dân. Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, kết quả đào tạo nghề LĐNT qua các năm đều đạt và vượt chỉ tiêu. 10 năm qua, tổng số lao động được đào tạo gần 7.500 người.
Mặt khác, để đạt được mục tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT, huyện Bắc Bình thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định. Trong quá trình tư vấn, xét tuyển đầu vào để đào tạo nghề, đặc biệt chú trọng đến trình độ học vấn, sức khỏe, điều kiện của người lao động có phù hợp với nghề sẽ học để đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo. UBND huyện cũng yêu cầu từng địa phương phải chủ động rà soát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động để giải quyết việc làm tại chỗ, nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, ngành nghề cần đào tạo… Qua đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm sát với thực tiễn. Hàng năm, trên địa bàn huyện đã giải quyết trên 2.500 lao động có thu nhập ổn định.
Đào tạo nghề sát thực tế
Thời gian tới, huyện Bắc Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời chú trọng công tác tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề và việc làm cho người lao động ở nông thôn cần sát thực tế, cụ thể hơn. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề; thực hiện đa dạng các hình thức dạy nghề, mở rộng các đối tác đào tạo.
Mặt khác, xây dựng và đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, thực hiện tốt chính sách đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, giảng viên. Đổi mới phương thức giảng dạy, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, giáo trình đào tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo nghề. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ký kết các hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện để đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Huyện sẽ chú trọng thông tin thị trường lao động, đặc biệt là khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài huyện, cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của một số doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh đang thu hút nhiều lao động...