Theo dõi trên

Giá tôm giảm sâu - người nuôi “treo ao”

04/07/2023, 05:17

Sau mấy vụ tôm liên tiếp không huề vốn thì lỗ, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong những năm gần đây đã thu hẹp dần. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, giá tôm nguyên liệu lại giảm sâu, khiến những hộ nuôi nơi đây thu không đủ bù chi và không còn mặn mà cho vụ nuôi tiếp theo.

Giá tôm “tụt dốc” kỷ lục

Đang là thời điểm vào vụ thu hoạch chính nhưng không khí tại những vùng nuôi tôm tập trung như Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Chí Công (Tuy Phong) không rầm rộ như mọi năm, bởi giá tôm không như mong đợi. Trở lại vùng nuôi tôm Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo vào những ngày cuối tháng 6, đi vào khu nuôi tôm tập trung chỉ thấy những ao tôm trơ đáy, chỉ còn vài ha chuẩn bị đến kỳ thu hoạch nhưng những người nuôi tôm thẻ nơi đây không mấy vui vẻ. Đây là đợt hiếm hoi hộ ông Hồ Kỳ Hùng (xã Vĩnh Hảo) nuôi tôm thẻ chân trắng với sản lượng đạt hơn mong đợi. Tuy nhiên chưa kịp vui mừng, thì nghe thương lái thông báo giá tôm tụt dốc, khiến ông và những người đang nuôi lắc đầu ngao ngán.

img_3064.jpg
Giá tôm thẻ giảm sâu chưa từng thấy

Theo những người nuôi tôm nơi đây, hiện tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại ao chỉ với giá 80.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 2/2023. Trong khi tôm loại 30 con/kg, nếu tôm đập đá có giá dao động từ 125.000 - 130.000 đồng/kg, giảm 50.000 - 60.000 đồng/kg; tôm oxy từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, giảm 55.000 - 75.000 đồng/kg. Với giá tôm như hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm không có lãi, thậm chí bị lỗ nặng.

Nguyên nhân là do giá đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra lại sụt giảm nghiêm trọng. Ông Hùng chia sẻ: “Hiện nay, chi phí cho thức ăn tôm chiếm 60%, 30% là vật tư thủy sản và 10% là tiền điện và nhân công. Những chi phí này đều tăng cao, trong khi giá tôm nguyên liệu thì liên tiếp lao dốc. Từ năm 2019 đến nay, hầu hết các hộ nuôi tôm lãi rất ít. Vì thế tỷ lệ hộ dân nuôi tôm thẻ nơi đây “treo ao” khá nhiều. Vụ tôm mới nhất, tôi thu hoạch gần 5 tấn loại tôm lớn gần 40 con/kg, nếu giá tôm không giảm sâu như hiện nay, tôi lãi hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá hiện tại, tôi lãi rất ít. Với thực trạng này, các hộ nuôi tôm đều cảm thấy bất an. Vì để nuôi được con tôm kích cỡ lớn đã rất khó và tốn nhiều công sức, nhưng nay giá tôm xuống thấp khiến người nông dân lâm vào tình cảnh khó khăn. Sau vụ này, tôi tạm “treo ao” chờ giá tôm cải thiện mới dám thả vụ mới”.

img_0048.jpg
Nhiều hộ nuôi buộc "treo ao" không dám nuôi vụ mới

E dè nuôi vụ mới

Cùng cảnh ngộ với ông Hùng, anh Nguyễn Lội (xã Vĩnh Hảo) chia sẻ: “Hiện nay, giá thức ăn tôm dao động 30.000 - 34.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg so đầu năm 2023. Để tránh thua lỗ, có người không thả nuôi đợt mới, có người chỉ thả cầm chừng từ 30 - 40% diện tích để nghe ngóng thị trường xem thế nào. Nhưng theo đánh giá, thời gian tới, tôm vẫn sẽ khó bán do hoạt động xuất khẩu của cả nước đang gặp nhiều trở ngại”. Thị trường ảm đạm, giá cả bấp bênh khiến nhiều hộ nuôi tôm ở Tuy Phong có ý định “treo ao”. Thêm vào đó, hiện nay, chi phí nuôi tôm thẻ chân trắng khá cao vì giá thức ăn tăng, công nuôi và chi phí thuốc men phòng bệnh cũng ngốn khá nhiều, cộng thêm giá điện sản xuất cũng tăng theo. Chưa kể, người nuôi tôm còn phải đối mặt với bệnh vi bào tử trùng (EHP) liên tục diễn biến phức tạp. Nuôi càng lâu chi phí càng cao, tỷ lệ hao hụt lớn nên chuyện có lời là rất khó.

Theo giải thích của một thương lái chuyên thu mua tôm: “Giá tôm nguyên liệu của một số nước, trong đó có Ecuador, Indonesia đang thấp hơn, thậm chí có lúc chỉ bằng 1/2 Việt Nam nên Trung Quốc bây giờ chủ yếu nhập tôm của Ecuador. Điều này khiến đầu ra, giá cả tôm nước ta bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do suy thoái toàn cầu làm người tiêu dùng Mỹ, châu Âu thắt chặt hầu bao; lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp xuất khẩu còn lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh vùng lân cận cũng không cao do kinh tế khó khăn.

Nhận thấy tôm đang giảm giá mạnh, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người nuôi tôm tại huyện Tuy Phong nói riêng và cả tỉnh nói chung, nhất là những hộ nuôi thâm canh công nghệ cao đang thận trọng hơn trong việc thả nuôi đợt mới. Một số hộ giảm mật độ thả nuôi, giảm số lượng ao nuôi nhằm hạn chế rủi ro. Dự báo thị trường xuất khẩu và tiêu thụ con tôm trong năm 2023 rất khó khởi sắc vì kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn. Nhiều hộ nuôi e dè đầu tư vào vụ mới. Hầu hết các hộ nuôi dự tính giảm khoảng 30 - 40% công suất ao nuôi, chủ yếu nuôi duy trì để giữ công nhân chứ không mong sẽ đạt lợi nhuận trong vụ nuôi mới.

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tôm thẻ chân trắng rớt giá, người nuôi vội vàng thu hoạch
BT- Du lịch đóng cửa, nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid – 19, các chợ đầu mối lớn bị phong tỏa; nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể chỉ hoạt động cầm chừng… khiến thị trường tôm thẻ chân trắng trong tỉnh gặp khó trong tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá tôm giảm sâu - người nuôi “treo ao”