Theo dõi trên

Giám đốc CDC Mỹ chỉ ra lợi thế của Việt Nam trong ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

29/07/2022, 16:16

Theo ông Eric Dziuban, Việt Nam có nhiều thời gian chuẩn bị hơn các quốc gia khác vì trong 2 tháng qua chưa ghi nhận bất cứ ca mắc đậu mùa khỉ nào.

Bệnh đậu mùa khỉ là một trong những căn bệnh nguy hiểm đang lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp với căn bệnh này – mức cảnh báo cao nhất mà tổ chức này có thể đưa ra.

media.vov.vn-sites-default-files-styles-large-public-2022-07-_unnamed_2(1).jpg
Tiến sĩ Eric Dziuban đánh giá về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trong cuộc gặp trực tuyến với báo chí.

Bệnh đậu mùa khỉ là một trong những căn bệnh nguy hiểm đang lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp với căn bệnh này – mức cảnh báo cao nhất mà tổ chức này có thể đưa ra.

Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện ca mắc ở nước ta là hoàn toàn có thể do căn bệnh đang nhanh chóng lan rộng ở nhiều quốc gia và sự giao lưu đi lại thuận tiện giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với báo chí sáng 29/7, Giám đốc Quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), Tiến sĩ Eric Dziuban đã đánh giá về tình hình dịch bệnh và cho biết CDC đang làm việc với chính phủ cùng các cơ quan y tế của Việt Nam để ứng phó với căn bệnh này.

Đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của WHO, tính đến ngày 29/7 thế giới ghi nhận 21.148 ca bệnh đậu màu khi tại 78 quốc gia, trong đó châu Âu là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chỉ trong vòng 1 tuần qua, số ca bệnh đã tăng từ 16.016 đến hơn 21.148 ca. Con số này cho thấy tình hình lây nhiễm hiện nay đang diễn ra rất phức tạp. Tuy nhiên số ca tử vong rất thấp. Đến thời điểm hiện tại chỉ có 5 ca tử vong ở châu Phi - nơi trước đây từng lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Trong số 78 quốc gia hiện nay, thì có tới 71 quốc gia lần đầu tiên ghi nhận dịch bệnh này.

Đậu mùa khỉ là căn bệnh hiếm gặp do virus Monkeypox gây ra với các triệu chứng như: sốt cao, nổi hạch bạch huyết, phát ban…

Bệnh đậu mùa khỉ gần giống với bệnh đậu mùa nhưng nguy cơ tử vong thấp hơn nhiều, với tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 0,03% (5 người trong số 16.000 bệnh nhân). Các triệu chứng đầu tiên có thể xuất hiện 2-5 ngày trước khi có phát ban đặc trưng. Bệnh kéo dài từ 2 đến 4 tuần.

Bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc người sang người, thông qua tiếp xúc với các nốt tổn thương hoặc dịch tiết hô hấp của người bệnh hay sử dụng những đồ vật mà người bị bệnh mắc phải như băng gạc, ga trải giường. Bệnh lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh nhân có khả năng lây nhiễm từ khi bắt đầu có triệu chứng cho đến khi các lớp vảy bong ra và hình thành lớp da mới.

Đợt bùng phát năm 2022 có nhiều điểm khác biệt

Tiến sỹ Eric Dziuban cho biết, có rất nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ ở những quốc gia bên ngoài châu Phi, và đây có thể là một trong những lý do khiến WHO phải ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Ngoài ra còn những khác biệt về biểu hiện lâm sàng ở người bệnh. Trước hết phát ban vẫn là biểu hiện đặc trưng nhưng thường bắt đầu ở vùng sinh dục và quanh hậu môn, đôi khi không lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Đây là điều khiến bác sỹ dễ nhầm lẫn đậu mùa khỉ với các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các triệu chứng trước ban như sốt, đau nhức, mệt mỏi trở nên ít phổ biến hơn.

Ông Dziuban cũng đưa ra thông tin về một số nhóm người có nguy cơ cao hơn mắc đậu mùa khỉ. “Nhóm nguy cơ cao nhất, phơi nhiễm với bệnh này là nhóm nam quan hệ đồng giới và nữ chuyển giới. Hầu hết các ca bệnh đều là người lớn”.  

Tuy nhiên theo Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, căn bệnh này không phải bệnh riêng trong nhóm cộng đồng nam quan hệ đồng giới vì thế cần “cẩn trọng khi truyền thông nếu không sẽ tạo ra sự kỳ thị với một nhóm người”. 

Do đợt bùng phát dịch bệnh lần này khác biệt so với những lần trước nên chúng ta cần phải nâng cao nhận thức và tăng cường tìm hiểu thêm để không chẩn đoán nhầm cũng như đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp, ông Eric Dziuban lưu ý.

Chuyên gia này cũng cho rằng, chúng ta không nên quá lo ngại về căn bệnh bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan như Covid-19, ít có nguy cơ gây đại dịch và hầu hết các ca bệnh đều tự khỏi mà không cần điều trị đặc biệt.

dau_mua_khi_2.png
Mụn rộp trên tay một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: Insider

Việt Nam có đủ thời gian chuẩn bị để ứng phó dịch bệnh

Theo đánh giá của tiến sỹ Eric Dziuban, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua. Trong những tháng đầu của đại dịch, Việt Nam đã có sự ứng phó rất tốt, sớm kiểm soát được căn bệnh. Vì thế, Việt Nam có thể có sự chuẩn bị tốt để xác định sớm các ca bệnh đậu mùa khỉ và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Nói về nguy cơ đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam, ông Eric Dziuban nhấn mạnh, căn bệnh này đã được ghi nhận ở rất nhiều quốc gia và Việt Nam sẽ khó tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm khi mở cửa và đón nhiều chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều thời gian chuẩn bị hơn các quốc gia khác vì trong 2 tháng qua chưa ghi nhận bất cứ ca mắc nào.

Tiến sỹ Eric Dziuban khẳng định, CDC của Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế trong một vài tháng qua để giúp Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm nhanh chóng phát hiện và ngăn ngừa căn bệnh này. Bên cạnh đó CDC cũng đang nỗ lực giúp Việt Nam tiếp nhận kit xét nghiệm đậu mùa khỉ trong thời gian sớm nhất, tăng cường phối hợp với WHO để có nhiều nguồn cung hơn và giúp các nước tiếp cận sớm hơn.

Liên quan đến vaccine ngừa đậu mùa khỉ, ông Eric Dziuban cho biết, Mỹ và nhiều quốc gia khác đang đẩy mạnh hợp tác với các công ty dược phẩm để tăng cường sản xuất vaccine. Nhưng chuyên gia này lưu ý, vaccine chỉ là một trong những công cụ giúp chúng ta ngăn ngừa căn bệnh.

Trong trường hợp thiếu vaccine, chúng ta vẫn còn có nhiều biện pháp khác như thực hiện tốt các quy định về y tế chẳng hạn tránh tiếp xúc gần, da kề da với những người bị phát ban giống bệnh đậu mùa khỉ, rửa tay sạch sau khi chạm vào người khác hoặc đồ vật khác ở nơi công cộng, yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn.

Ông Eric Dziuban hy vọng, trong thời gian tới Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với CDC cũng Mỹ cũng như các tổ chức y tế của nhiều quốc gia khác, tăng cường chia sẻ thông tin dữ liệu để thúc đẩy một phản ứng chung mang tính toàn cầu, nhằm đối phó với bệnh đậu mùa khỉ./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quan hệ Mỹ-Trung dậy sóng trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ
Quan hệ Trung Quốc và Mỹ một lần nữa gặp sóng gió khi hôm qua (27/7) có thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chuẩn bị có chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc).
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc CDC Mỹ chỉ ra lợi thế của Việt Nam trong ứng phó bệnh đậu mùa khỉ